Trong bối cảnh thách thức nhiều hơn thuận lợi, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, quyết tâm cao triển khai các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng. Đồng thời, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong để phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Tình hình kinh tế-xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được nhiều mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Mặc dù còn phải đối mặt với những “cơn gió ngược”, tuy nhiên Chính phủ đã lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả tốt nhất cho năm 2023.
Phấn đấu GDP cả năm đạt 6%
Trên cơ sở kết quả thực hiện của ba quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước cả năm 2023 có ít nhất 10 trên tổng số 15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Riêng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ước tăng khoảng 3,5%, vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra là kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 4,5%. Đối với chỉ tiêu tăng trưởng GDP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng cả năm 2023 ước đạt hơn 5%, thấp hơn mục tiêu nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Nhận định về tình hình kinh tế chín tháng năm 2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi bấp bênh và còn nhiều bất định, khó lường, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Đó là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế phục hồi, quý sau cao hơn quý trước; tiêu dùng tăng trưởng tích cực; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát theo chỉ tiêu của Quốc hội.
Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm được Chính phủ quan tâm chỉ đạo nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân…
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, sau nhiều tháng suy giảm, khu vực sản xuất công nghiệp đã phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III tăng 4,57%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã bật tăng 5,61% so với mức tăng nhẹ 0,49% và 0,6% trong quý I và quý II.
Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động, chín tháng tăng 6,32% và trở thành lĩnh vực có đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung. Giải ngân vốn đầu tư công chín tháng đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,68%, về số tuyệt đối cao hơn gần 110 nghìn tỷ đồng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Tính chung chín tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 21 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD), các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế đều đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm cũng như năm 2024.
Tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp
Căn cứ vào kết quả thực hiện chín tháng và đánh giá triển vọng kinh tế trong và ngoài nước những tháng cuối năm, Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất cho năm 2023.
Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 6% là rất thách thức, nhất là khi kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với “những cơn gió ngược” từ bên ngoài tràn vào. Hiện nay, cả ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế đều gặp khó khăn, do đó, cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ, truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.
Để thúc đẩy tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2023, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê đề xuất Chính phủ cần thực hiện nhanh và hiệu quả giải pháp kích cầu đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng nhằm đem lại hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào sự phục hồi nhanh và tiềm năng của nền kinh tế.
Cụ thể, cần thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế; kích cầu xuất khẩu thông qua các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực dậy ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu; bảo đảm giữ được những bạn hàng lớn, đồng thời tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới, đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đến với toàn cầu.
Đồng thời, hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; tăng cường các đợt khuyến mại và giảm giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng cho vay tiêu dùng; giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội; đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo... là các giải pháp có thể đem lại hiệu quả nhanh nhất để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.
Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: Theo tính toán, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm phần trăm sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, vì vậy Chính phủ cần tập trung kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, việc phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là kinh tế số, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); phát triển mạnh hơn khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng trưởng xanh gắn với chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu…, bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng...”, TS Lực nhấn mạnh.
Dự báo những tháng cuối năm, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao độ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cộng với dự báo tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến được cải thiện, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục là điểm sáng trong năm 2023 và tạo đà cho tăng trưởng GDP năm sau.
Tăng trưởng quý IV/2023 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam cùng với xu hướng sôi động của hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước vào dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán năm 2024 là cơ sở để xuất khẩu, tiêu dùng trong nước tăng trưởng nhanh hơn. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |