Phát triển thương mại vùng cao, biên giới

09:56 - Chủ Nhật, 29/10/2023 Lượt xem: 3022 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh có đường biên giới quốc gia hơn 455km, tiếp giáp với 2 nước Lào và Trung Quốc, có tiềm năng để phát triển kinh tế thương mại vùng cao, biên giới; tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn giao thương, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, từng bước phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động thương mại dịch vụ nói chung trên địa bàn tỉnh sôi động, lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại tăng trưởng tích cực, hàng hóa trên thị trường đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội diễn ra sôi động vào dịp lễ, tết… đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến Ðiện Biên nên nhu cầu ăn nghỉ, mua sắm, vui chơi giải trí… tăng mạnh, đã tác động làm tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14.746 tỷ đồng (tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 70% kế hoạch năm). Trong đó, bán lẻ hàng hóa đạt 13.450,42 tỷ đồng; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 641,05 tỷ đồng; dịch vụ khác ước đạt 654,51 tỷ đồng.

Nhằm phát triển thương mại vùng cao, biên giới, thời gian qua tỉnh ta đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại biên giới giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 259 của Thủ tướng Chính phủ. Ðồng thời, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và hoạt động thương mại biên giới; có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu và thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Ðiện Biên với các tỉnh Bắc Lào, và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã được chú trọng phát triển, song so với tiềm năng và lợi thế của địa phương chưa tương xứng. Các mặt hàng xuất khẩu đơn điệu, chủ yếu là xi măng, đá xây dựng, thuốc lá; hàng hóa nông sản thô sơ, có giá trị thấp; trong khi hàng nhập khẩu là gỗ các loại, ngô hạt, bông chít, cây cao su giống, hàng gia dụng. Do vậy, cùng với đầu tư phát triển hạ tầng, Ðiện Biên đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại khu vực biên giới, các chương trình xúc tiến thương mại kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thu hút phát triển thương mại. Ðồng thời, lồng ghép, đề xuất đưa các nội dung đầu tư vào biên bản hợp tác với Sở Công Thương 6 tỉnh Bắc Lào và các địa phương của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phục vụ các hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu. Hiện nay, ngoài một số dự án đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đang được đầu tư xây dựng (Dự án chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh, dự án Trung tâm thương mại và nhà ở thương mại TP. Ðiện Biên Phủ), tại các huyện, một số chợ đã và đang được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa để phục vụ nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn. Từ khi lối mở Nậm Ðích (huyện Nậm Pồ, tỉnh Ðiện Biên, Việt Nam) - Huổi Hịa (huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly, Lào) chính thức mở cửa tháng 5/2023 đã tạo cơ hội thuận lợi để cho cư dân biên giới 2 bên trao đổi hàng hóa. Ðể tăng cường giao thương giữa hai bên, đẩy mạnh hoạt động thương mại khu vực miền núi, biên giới, Sở Công Thương đã tổ chức phiên chợ thương mại biên giới tại huyện Nậm Pồ, tạo điều kiện để người dân hai bên biên giới được tiếp cận nhiều hàng hóa với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, phù hợp nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.

Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành Công Thương tỉnh Ðiện Biên đã phối hợp với ngành Công Thương 6 tỉnh Bắc Lào ký biên bản hợp tác hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Trong năm 2022 và 2023, đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Bắc Lào tổ chức Hội chợ thương mại biên giới giữa hai nước với hình thức luân phiên để các doanh nghiệp của hai bên tổ chức giao lưu, ký kết hợp tác thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thương mại biên giới. Tỉnh Ðiện Biên cũng dành nguồn lực đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông trọng yếu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm phục vụ phát triển thương mại biên giới.

Ðức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top