Người tốt - việc tốt
ĐBP - Không chỉ năng động, nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động của địa phương, ông Nguyễn Văn Mạnh, trưởng thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) còn tiên phong, đi đầu trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, gia đình ông Mạnh chỉ trồng ngô, sắn cho thu nhập thấp. Với quyết tâm vươn lên, không cam chịu đói nghèo, năm 2017, ông Mạnh bắt đầu tìm tòi những cách làm kinh tế phù hợp với nơi mình sinh sống. Cùng với số vốn tích góp của gia đình, ông đã mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xây chuồng trại nuôi bò sinh sản, đào ao thả cá và làm hệ thống tưới tiêu trồng 5.000m2 cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn tươi trong chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn do xã phối hợp tổ chức về kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng cỏ voi.
Nhờ biết khai thác lợi thế, khắc phục khó khăn khi bắt đầu triển khai mô hình, sự cần cù chịu khó và quyết tâm đã giúp ông có được mô hình hiệu quả kinh tế cao. Ðến nay, mô hình của gia đình ông Mạnh có 21 con bò sinh sản, hơn 700m2 ao nuôi cá rô và cá trê lai. Ngoài ra, ông Mạnh còn nhận chở hàng, vận chuyển vật liệu xây dựng, thu gom nông sản bán cho các đại lý để tăng thêm thu nhập… Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng/năm và trở thành mô hình kinh tế điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.
Với cương vị là trưởng thôn Hợp Thành, ông Nguyễn Văn Mạnh luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông thường xuyên đến từng nhà, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để phản ánh đến chính quyền địa phương. Ông vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước khu dân cư, tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, tích cực hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động.
Ông Mạnh cho biết: Là trưởng thôn, tôi đã tuyên truyền vận động bà con phát triển kinh tế như chăn nuôi, làm rau màu, buôn bán, kinh doanh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Và để bà con tin và làm theo mình, bản thân tôi phải tiên phong, đi đầu, làm mô hình để người dân học hỏi. Trong quá trình làm, tôi thường xuyên hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ gia đình trong thôn, hỗ trợ người dân vay vốn, con giống. Qua đó, giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Ðến nay, thôn Hợp Thành có 56 hộ thì chỉ còn 2 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo.
Với sự trách nhiệm, nhiệt tình, nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của ông Mạnh đã không những đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.