Miễn giảm thuế, phí có còn phù hợp với tình hình mới?

16:19 - Thứ Năm, 02/11/2023 Lượt xem: 3708 In bài viết

Thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước sáng 2-11, các đại biểu Quốc hội băn khoăn với các chính sách miễn giảm thuế, phí và cho rằng cần phải có những điều chỉnh trước những biến động, bối cảnh mới.

 

 

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu thảo luận.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế trước khi có những biến động lớn về tình hình kinh tế, chính trị thế giới như hiện nay, đặc biệt là xung đột giữa một số quốc gia, tình hình lạm phát toàn cầu. Do vậy cần phải có những điều chỉnh trước những biến động, bối cảnh mới.

“Tuy nhiên, dường như chính sách tài khóa vẫn còn khá thận trọng khi xu hướng chung, lợi ích thay đổi qua các năm, nhất là trong giai đoạn 2021-2023. Thận trọng là cần thiết, song nếu quá thận trọng thì sẽ không có lợi khi chi tiêu của Chính phủ được xem như là một động lực tăng trưởng quan trọng hiện nay”, đại biểu Đoàn Trà Vinh nói.

Một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn khi không ít chính sách trong tình hình dịch bệnh phức tạp, kinh tế khó khăn đến nay cần thay đổi cho phù hợp, như: Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiên liệu bay; hay như giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước liệu còn phù hợp?

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) nhận định, Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, phí, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng tới chính quyền địa phương khi bị giảm nguồn thu.

Đại biểu cho rằng, để bù đắp lại các khoản chính quyền địa phương phải giảm theo chính sách của Chính phủ, cần tạo điều kiện cho địa phương có thể thu ở các lĩnh vực khác, để cân đối hài hòa giữa thu và chi ở cơ sở.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm, khả năng sẽ không đạt được kế hoạch chỉ tiêu 5 năm. Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng đang có hướng tăng và tiếp cận với mức trần. Năm 2023 có khoảng 43/63 địa phương có thể sẽ hụt thu ngân sách, một số khoản thu chưa có tính bền vững. Bên cạnh đó, về thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tổ chức sẽ tiếp tục giảm thu ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số khoản thu ngân sách sẽ ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) thảo luận.

Về phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) nhất trí cao với chủ trương tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương; chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương. Trong giai đoạn ngân sách 2022-2025, một số chính sách do trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong ngân sách địa phương ngay trong đầu giai đoạn ổn định ngân sách, dẫn đến việc ngay sau khi chính sách có hiệu lực thi hành, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp. Đến nay, một số chính sách, chế độ mới do trung ương ban hành và thực hiện làm tăng chi ngân sách địa phương rất lớn.

“Đề nghị Quốc hội xem xét đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự đoán năm 2023 để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ ngân sách trung ương”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra về kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách. Do đó, về kỷ luật quản lý tài chính ngân sách, đại biểu đề nghị chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; hạn chế tối đa ứng trước dự toán ngân sách, hạn chế tối đa chuyển nguồn, bảo đảm các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động hiệu quả, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và đẩy mạnh phân cấp tạo chủ động cho ngân sách địa phương.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top