Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực lòng chảo Mường Thanh

09:22 - Thứ Sáu, 03/11/2023 Lượt xem: 5381 In bài viết

ĐBP - Vùng lòng chảo Mường Thanh hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển nông nghiệp chất lượng cao như: Ðịa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ và người dân có trình độ canh tác cao. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhiều năm qua, huyện Ðiện Biên đã ưu tiên phát triển trồng trọt vùng lòng chảo là lĩnh vực sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp huyện.

Nông dân các xã vùng lòng chảo Ðiện Biên sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa. Ảnh: Phạm Trung

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh là ưu tiên hàng đầu trong phát triển nông nghiệp của huyện Ðiện Biên. Cánh đồng Mường Thanh có diện tích khoảng 4.100ha, canh tác 2 vụ lúa. Sản phẩm gạo Ðiện Biên đã nổi tiếng với độ dẻo, thơm ngon và có chỗ đứng nhất định trên thị trường lúa gạo Việt Nam. Những năm gần đây, huyện Ðiện Biên chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và nâng tầm giá trị của sản phẩm lúa gạo Ðiện Biên. Hàng năm, huyện quan tâm đưa các bộ giống lúa chất lượng thay thế các giống lúa đã canh tác nhiều năm, có biểu hiện thoái hóa giống. Hiện nay, các giống lúa chủ lực thường xuyên được canh tác tại cánh đồng Mường Thanh gồm có: Séng cù, Hana và các loại giống lúa thơm. Bên cạnh đó, nông dân các xã vùng lòng chảo đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư máy móc, nông cụ, cơ giới hóa khâu làm đất đạt 93%, khâu thu hoạch đạt đạt 95%; diện tích áp dụng máy cấy gắn động cơ thay thế hình thức gieo thẳng đạt gần 500ha. Ngoài ra, huyện Ðiện Biên tích cực thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) triển khai các dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gạo Ðiện Biên. Hiện nay, nhiều dòng sản phẩm gạo Ðiện Biên đã đạt chuẩn OCOP.

Ông Nguyễn Văn Tâm, thôn 1, xã Pom Lót cho biết: Hơn 30 năm sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh, tôi nhận thấy rất phù hợp với canh tác lúa nước 2 vụ. Ðồng ruộng bằng phẳng, hệ thống thủy lợi được đầu tư đảm bảo nước phục vụ sản xuất; nhất là cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã rất quan tâm, hỗ trợ người dân từ vật tư nông nghiệp, giống lúa và kỹ thuật. Nhiều năm nay, cơ cấu giống trong các vụ sản xuất luôn được thay đổi phù hợp với từng mùa vụ với phương châm hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng lúa gạo. Ðơn cử như trước đây vùng đồng ruộng xã Pom Lót chỉ tập trung vào 2 giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7 song nay cơ cấu chủ yếu là giống Séng cù, Hana và giống lúa thơm. Vài năm gần đây, người dân tham gia liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “cánh đồng một giống” và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Xác định sản xuất lúa gạo là ưu tiên hàng đầu trong phát triển nông nghiệp, xã Thanh Xương luôn chú trọng và tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gạo Ðiện Biên.

Ông Lò Văn Bun, cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương cho biết: Xã Thanh Xương luôn đi đầu trong áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%. Trong khâu gieo cấy, toàn xã có 67 máy cấy gắn động cơ, chiếm 80% số lượng máy cấy trong toàn huyện Ðiện Biên. Diện tích áp dụng máy cấy khoảng 200ha/vụ, chiếm trên 80% tổng diện tích gieo cấy của xã. Phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích lúa của xã áp dụng máy cấy gắn động cơ.

Bên cạnh phát triển cây lúa, huyện Ðiện Biên cũng chú trọng phát triển cây rau màu tại các xã vùng lòng chảo Mường Thanh. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn huyện có hơn 2.100ha rau màu; trong đó vùng lòng chảo có hơn 1.700ha tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Thanh Luông, Noong Luống, Thanh Hưng, Thanh Xương, Pom Lót. Năng suất rau xanh trên địa bàn huyện tương đối ổn định: Cải bắp đạt khoảng 30 - 35 tấn/ha; su hào 20 - 30 tấn/ha; rau cải các loại đạt từ 20 - 40 tấn/ha; cà chua từ 8 - 15 tấn/ha... Ðể đảm bảo phát triển rau màu bền vững, hàng năm các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên hướng dẫn người dân về kỹ thuật, ứng dụng các tiêu chuẩn an toàn vào sản xuất, đặc biệt là áp dụng quy trình VietGAP để có những sản phẩm rau chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống cho biết: Hiện nay, 11ha đỗ leo của HTX được trồng theo hướng GAP đã được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, với năng suất trung bình khoảng 200 tấn/vụ. Trở thành sản phẩm OCOP không những tạo điều kiện cho đỗ leo Noong Luống có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường mà quan trọng hơn là góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trên địa bàn. Thời gian tới, chúng tôi cố gắng nâng hạng sản phẩm OCOP lên hạng 4,5 sao. Ðồng thời hướng đến mục tiêu là đầu mối phân phối của các công ty, khu công nghiệp, siêu thị và xa hơn nữa là xuất khẩu.

Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Ðiện Biên vận động người dân cải tạo vườn tạp, hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất cây ăn quả tại các xã vùng lòng chảo. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả vùng lòng chảo đạt 1.215ha. Năm 2023, toàn huyện đã trồng mới gần 100ha các loại cây ăn quả như: Bưởi da xanh, mít, nhãn, thanh long, ổi tại các xã: Thanh Yên, Thanh Nưa, Noong Luống, Sam Mứn, Thanh An, Thanh Xương, Pom Lót; trồng 60ha dứa tại bản Pu Lau (xã Mường Nhà); 35ha cây bơ tại xã Núa Ngam.

Ông Trần Thế Hoàn, Chủ tịch UBND xã Noong Luống cho biết: Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Ðiện Biên, xã Noong Luống đã vận động các hộ dân thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi từ các cây trồng truyền thống sang trồng cây ăn quả. Ðến nay, diện tích cây ăn quả của xã đạt 80ha, trong đó diện tích cây bưởi da xanh trồng theo các dự án liên kết chiếm gần 40%. Cơ bản các diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, giúp người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Những năm tới, xã Noong Luống tiếp tục vận động các hộ dân có quỹ đất, nhu cầu trồng cây ăn quả tham gia các dự án liên kết sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện Ðiện Biên và Ðề án Phát triển cây ăn quả tỉnh Ðiện Biên.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top