Hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp

09:12 - Thứ Bảy, 04/11/2023 Lượt xem: 5312 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng liên kết, bảo đảm an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Hầu hết mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ thể sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm tại xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên).

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo chất lượng cao được triển khai từ năm 2018 tại các xã: Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) trên diện tích 70,7ha với 176 hộ tham gia. Mô hình đã góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng một giống sản xuất theo quy trình sản xuất đồng bộ, thuận lợi áp dụng cơ giới hóa vào tất cả các khâu của sản xuất, quản lý sinh vật gây hại hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Sau khi dự án kết thúc, hoạt động liên kết giữa chủ trì liên kết và người dân vẫn tiếp tục duy trì ổn định. Qua đánh giá, việc áp dụng đồng loạt các biện pháp kỹ thuật trên khu vực sản xuất tập trung đã giảm tỷ lệ lúa lẫn, cỏ dại, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Các hộ tham gia liên kết được hướng dẫn biện pháp kỹ thuật từ sản xuất đến thu hoạch, sơ chế đảm bảo yêu cầu của đơn vị thu mua với số lượng bình quân 30 - 35 tấn/vụ, lợi nhuận tăng từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Ðặc biệt, mô hình giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật so với ngoài mô hình.

Trên đây chỉ là một trong nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, liên kết được ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương triển khai trong những năm qua. UBND tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tổ chức triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, theo mô hình VietGAP, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao... Ðồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, hàng hóa. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vận động người dân đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa với quy mô phù hợp. Phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung.

Chỉ tính riêng việc thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HÐND của HÐND tỉnh Ðiện Biên về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh đã triển khai 200 dự án liên kết, với sự tham gia của gần 8.000 hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 138 dự án, chiếm 69%. Nhiều sản phẩm chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, tích cực góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản, như: Sản xuất lúa tại vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên; liên kết trồng và tiêu thụ dứa tại huyện Mường Chà; liên kết sản xuất và tiêu thụ chè shan tuyết huyện Tủa Chùa; vùng trồng rau an toàn tại các xã: Noong Luống, Thanh Hưng, Thanh Xương (huyện Ðiện Biên). Một số sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh như: Quả đỗ leo 4 mùa (HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, huyện Ðiện Biên), mật ong rừng Chà Nưa (HTX Nuôi ong rừng Chà Nưa, huyện Nậm Pồ), chè Tuyết Shan (Công ty TNHH Hương Linh Ðiện Biên), gạo Séng cù, Bắc thơm số 7 (HTX Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Yên)... và tiếp cận, tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh.

Qua thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ, công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Cụ thể, trồng rau an toàn giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%, sản lượng tăng 15 - 25%, lợi nhuận tăng từ 30 - 35 triệu đồng/ha; liên kết sản xuất lúa theo cánh đồng một giống, áp dụng cơ giới hóa đã giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Lợi ích thiết thực khác là thông qua liên kết, người dân được tiếp cận với các kiến thức, yêu cầu trong triển khai thực hiện hợp đồng liên kết, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật; thay đổi phương thức tổ chức sản xuất (từ nhỏ lẻ, nông hộ sang liên kết phát triển sản xuất hàng hóa), thay đổi trình độ sản xuất (từ quảng canh sang thâm canh). Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân.

Thành Ðạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top