Huyện Ðiện Biên thu hút đầu tư vào nông nghiệp

09:58 - Thứ Hai, 06/11/2023 Lượt xem: 6090 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên là một trong những huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, với lợi thế có diện tích sản xuất trên lòng chảo Mường Thanh rộng 4.100ha. Ðể nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, huyện Ðiện Biên đã tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó từng bước tạo các chuỗi sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Áp dụng cơ giới hóa trong liên kết sản xuất trên cánh đồng lớn giữa hợp tác xã và nông dân đem lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn trên cánh đồng Mường Thanh.

Nhằm thu hút doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện Ðiện Biên tạo điều kiện thuận lợi. Trong đó tập trung đột phá về môi trường đầu tư, kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; huy động cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng; hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng liên kết sản xuất. Cùng với đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, trong giai đoạn 2015 - 2022, trên địa bàn huyện có gần 30 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (bao gồm cả các dự án trên địa bàn 4 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng và Pá Khoang trước khi sáp nhập về TP. Ðiện Biên Phủ). Các dự án chủ yếu liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản (lúa gạo). Ðặc biệt, từ năm 2017 đến nay, trên cơ sở chính sách chung của Nhà nước, của tỉnh, huyện Ðiện Biên đã vận dụng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của huyện để thực hiện các dự án dồn điền đổi thửa, thực hiện các dự án cánh đồng lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư sản xuất.

Ðầu tư vào sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao, năm 2017 Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên triển khai thực hiện thí điểm dự án “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao quy mô 31ha tại các xã vùng lòng chảo. Ðể người dân yên tâm tham gia liên kết, hợp tác xã đã hỗ trợ bà con 100% giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa an toàn sinh thái và cam kết bao tiêu 100% sản phẩm. Ðến nay, từ 31ha mô hình thí điểm, Hợp tác xã đã mở rộng lên 75ha, với 135 hộ dân tham gia liên kết. Từ đó đã tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa tập trung; áp dụng cùng quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí sản xuất từ 3,7 - 4,6 triệu đồng/ha (phân bón giảm 1,23 triệu đồng/ha; thu hoạch giảm 2,7 triệu đồng/ha; phòng trừ sâu bệnh giảm 280 nghìn đồng/ha...). Thu nhập của người nông dân tham gia mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà từ 7 - 10 triệu đồng/ha.

Ðến nay huyện Ðiện Biên đã có gần 60 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, huyện đã thu hút 5 dự án của các doanh nghiệp tham gia trồng cây mắc ca trên địa bàn, như: Dự án đầu tư phát triển cây mắc ca kết hợp với trồng cây lâm nghiệp tại 2 xã Thanh Xương và Thanh An có quy mô 522ha; dự án đầu tư trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông, quy mô trên 3.500ha...

Việc thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện đã mang lại “lợi ích kép”. Ðó là duy trì và mở rộng diện tích vùng sản xuất hàng hóa, nhất là các cây trồng chủ lực; tạo việc làm và thu nhập cho người dân, cũng như giữ chân lao động địa phương, không phải “ly hương”, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về lao động, thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, giảm nghèo đa chiều. Ðơn cử dự án trồng cây mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông của Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Ðiện Biên tuyển dụng trên 30 lao động thường xuyên với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng và sử dụng 300 lao động thời vụ để quản lý, bảo vệ và chăm sóc diện tích cây đã trồng.

Ðể đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, huyện Ðiện Biên xác định phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, thuận tiện, thông thoáng, minh bạch cho nhà đầu tư. Tiến hành rà soát quy hoạch, lựa chọn danh mục dự án chi tiết có trọng tâm, trọng điểm nhằm thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu đầu tư, như lĩnh vực: Thủy sản, chăn nuôi, chế biến bảo quản theo chuỗi liên kết; phát triển chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao; đầu tư nhà máy chế biến gạo gắn với phát triển vùng lúa chất lượng cao; nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm gắn với chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn...

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top