Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng

11:01 - Thứ Hai, 06/11/2023 Lượt xem: 4828 In bài viết

Tính đến 30-9-2023, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai các đoàn kiểm toán đạt 91% kế hoạch kiểm toán năm, phát hành 84 báo cáo kiểm toán với tổng số kiến nghị 14.094 tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sáng 6-11, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia phiên họp sáng 6-11.

Cụ thể, đối với nhiệm vụ “Tăng cường công tác kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện kiểm toán chuyên đề các nội dung đoàn giám sát nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11-10-2022 trong kế hoạch kiểm toán năm 2023”, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, hướng dẫn kiểm toán.

Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và hiệu lực, hiệu quả kiểm toán đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói riêng. Trong đó, yêu cầu các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước tăng cường kiểm toán nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo tại phiên họp.

Đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách…

Kế hoạch kiểm toán năm 2023 thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, trong đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 27 bộ, cơ quan trung ương, đạt tỷ lệ 66% (27/41) số đầu mối. Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 52 địa phương, đạt tỷ lệ 83% (52/63) số đầu mối. Trong khi đó, số cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đạt tỷ lệ 23% tổng số cuộc kiểm toán (30/129 cuộc), phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.

Đến nay, Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đang được thực hiện theo đúng phương án tổ chức kiểm toán đã ban hành. Tính đến 30-9-2023, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai các đoàn kiểm toán đạt 91% kế hoạch kiểm toán năm, tương đương cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 đạt tỷ lệ 89,6%), phát hành 84 báo cáo kiểm toán với tổng số kiến nghị 14.094 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng, kiến nghị khác 10.213,6 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Tuấn cho biết, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán luôn được Kiểm toán Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Kết quả thực hiện cho thấy, về cơ bản các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện.

Các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm. 9 tháng năm 2023 thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 theo báo cáo của các đơn vị đạt 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,63%).

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp sáng 6-11.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị khi xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện một nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề gắn với hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị.

Bên cạnh đó, tại các cuộc kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tập đoàn, tổng công ty…, Kiểm toán Nhà nước đã xác định các nội dung kiểm toán trọng yếu liên quan bao gồm: Việc quản lý và sử dụng đất đai; việc triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng tài sản công và việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đối với việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; việc quản lý, sử dụng tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất…

Tổng hợp kết quả kiểm toán có liên quan đến chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước về đất 3.377 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp tại 8 văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất, quy hoạch, cấp phép xây dựng và đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong từng báo cáo kiểm toán.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả và chất lượng các nghị quyết của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước trân trọng báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, kịp thời kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết đã ban hành để chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top