Vẫn khó giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia

09:03 - Thứ Ba, 07/11/2023 Lượt xem: 4857 In bài viết

ĐBP - Năm 2023, tỉnh Ðiện Biên được giao hơn 1.176 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Tỉnh đã phân bổ chi tiết đến các đơn vị, địa phương; đồng thời, chỉ đạo, ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình và tập trung giải ngân các nguồn vốn một cách kịp thời, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhất là vốn sự nghiệp của 3 chương trình.

Mô hình trồng cà gai leo theo hướng liên kết hỗ trợ trên địa bàn thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.  Ảnh: Quốc Huy

Năm 2023, huyện Tủa Chùa được giao 130,621 tỷ đồng (vốn kéo dài sang năm 2023 hơn 9,208 tỷ đồng) thực hiện 3 chương trình MTQG. Ngay sau khi được giao vốn, huyện Tủa Chùa đã tiến hành phân bổ cho các đơn vị và chỉ đạo tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Ðến tháng 9/2023, tổng kế hoạch vốn đã thực hiện giải ngân được hơn 42,464 tỷ đồng (đạt 32,51%); trong đó nguồn vốn sự nghiệp giải ngân đạt thấp, được hơn 9,28 tỷ đồng (đạt 9,6%). Tiến độ giải ngân các nguồn vốn chương trình MTQG chưa cao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ðơn cử, Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đối với dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt về nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề thì phần lớn các hộ thuộc diện hỗ trợ là hộ nghèo mới tách hộ, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên mất nhiều thời gian trong việc kiểm tra, đo đạc diện tích đất sản xuất hộ đang sử dụng. Việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán do số lượng đối tượng thụ hưởng lớn (1.009 hộ), phải rà soát, điều chỉnh, họp bình xét lại nhiều lần; một phần vốn được điều chỉnh từ tiểu dự án khác sang vào giữa năm; công tác đấu thầu phải đảm bảo thời gian theo quy định, công tác đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài tối đa 45 ngày do nhiều nhà thầu tham dự gói thầu nên việc triển khai còn chậm. Ngoài ra, tại tiểu dự án 2 thuộc dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngay từ đầu năm huyện đã chỉ đạo 2 đơn vị (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện) ban hành thông báo tuyển chọn đơn vị chủ trì dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhưng không có đơn vị nào đăng ký nên các dự án đều chuyển sang phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Cùng với đó, một số văn bản của Trung ương chưa thống nhất, chưa có cơ chế rõ ràng dẫn đến một số dự án không thực hiện được, như: Dự án 8 về thực hiện bình đẳng và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, tổng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế được giao là 499 triệu đồng, dự kiến không thực hiện giải ngân được do chưa có hướng dẫn cụ thể và không có đối tượng hỗ trợ.

Những khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Tủa Chùa cũng là khó khăn chung của các huyện khác, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình MTQG đạt thấp. Tính đến hết tháng 9/2023, tổng kế hoạch vốn 3 chương trình trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải ngân được 453,178 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.176 tỷ đồng, đạt 38,52%. Trong đó, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 240,12 tỷ đồng, đạt 37,96%; Chương trình Giảm nghèo bền vững là 179,708 tỷ đồng, đạt 41,22%; Chương trình Xây dựng nông thôn mới là  33,349 tỷ đồng, đạt 30,86%.

Về nguyên nhân chủ quan, thì năng lực lập kế hoạch, kiểm soát hồ sơ dự án, tổ chức triển khai thực hiện tại một số đơn vị còn nhiều bất cập, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, dẫn tới việc hoàn thiện thủ tục đầu tư chậm, không đảm bảo điều kiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 trước ngày 31/12/2022. Sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư trên địa bàn có lúc còn chưa được nhịp nhàng, hiệu quả nhất là trong việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự án, phối hợp giải phóng mặt bằng.

Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình MTQG, cần tập trung rà soát về cơ chế chính sách thực hiện 3 chương trình mới được Trung ương ban hành, kịp thời ban hành các chính sách theo thẩm quyền của tỉnh (nếu có). Khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới để đảm bảo đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn năm 2024 theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; kịp thời chỉ đạo xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh và đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top