Tăng cường quản lý giống cây trồng lâm nghiệp

09:29 - Thứ Sáu, 10/11/2023 Lượt xem: 5012 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng một số giống cây trồng được các cấp, ngành chuyên môn quan tâm triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, việc người dân một số địa phương vẫn đang sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng chưa đảm bảo, nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất. Do đó, công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng cần được đẩy mạnh để bảo đảm hiệu quả đầu tư các dự án lâm nghiệp và hạn chế rủi ro cho người dân.

Người dân xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) tham gia các dự án liên kết trồng mắc ca năm 2023.

Phát triển, mở rộng diện tích trồng cây mắc ca thông qua việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư là chủ trương lớn, nội dung trọng tâm trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Ðiện Biên. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 13 dự án trồng mắc ca của 11 doanh nghiệp, nhà đầu tư được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô trồng 91.645ha. Các dự án được triển khai đồng loạt tại các địa phương kéo theo nhiều hộ dân cũng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương từ trồng các loại cây truyền thống sang trồng mắc ca. Tuy nhiên, khi triển khai trồng mắc ca theo hình thức tự phát, người dân sử dụng các loại giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định chất lượng.

Ðơn cử như năm 2022 người dân một số xã tại huyện Nậm Pồ đã tự liên hệ, mua giống cây mắc ca từ các tỉnh Ðắk Lắk, Gia Lai để trồng tự phát hàng chục héc ta. Cũng trong năm 2022, người dân bản Tát Hẹ (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) tham gia dự án liên kết với doanh nghiệp để trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, đến khi người dân chuẩn bị đất, đào hố sẵn sàng thực hiện dự án thì doanh nghiệp lại không cung cấp cây giống. Do đó, dân bản Tát Hẹ đã tự bỏ tiền, tự liên hệ mua cây giống từ tỉnh Ðắk Lắk để xuống giống cho kịp thời vụ. Hoặc thời gian gần đây, người dân các huyện: Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ đang ồ ạt trồng cây quế. Hiện nay, diện tích quế trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do người dân trồng tự phát. Cây giống được người dân liên hệ mua tại các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Cây giống không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư các dự án lâm nghiệp. Việc người dân tự mua cây giống trôi nổi trên thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ví dụ cây giống mắc ca không đảm bảo chất lượng, có thể sinh trưởng phát triển tốt song lại cho ít quả, hiệu quả kinh tế thấp. Hoặc như cây quế, nếu chất lượng cây giống không đảm bảo, cây quế phát triển tốt song hàm lượng tinh dầu ít. Chính vì vậy, việc xác định nguồn gốc, kiểm định chất lượng cây giống có vai trò đặc biệt quan trọng trong quy trình thực hiện các dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân, ông Nguyễn Nhật Tân, Giám đốc HTX Cựu chiến binh Ðiện Biên kiến nghị: “Ðến nay, HTX đã trồng được hơn 15ha mắc ca. Trong quá trình thực hiện, HTX gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mua giống đảm bảo chất lượng tại các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống mắc ca”. Trả lời kiến nghị của nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Ðô cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác quản lý giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở, chính quyền các địa phương có trách nhiệm thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống đủ điều kiện để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận.

Về công tác quản lý giống cây trồng nông, lâm nghiệp, thời gian qua cơ bản các cấp, ngành chuyên môn quan tâm thực hiện. Ðối với cây giống mắc ca, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 đơn vị đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Ðối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án trồng mắc ca, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên có kế hoạch kiểm tra về việc sử dụng cây giống của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kết quả kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đều sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng theo quy định. Ðối với việc người dân trồng tự phát cây mắc ca, cây quế, công tác quản lý giống cây trồng gặp rất nhiều khó khăn. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều ban hành các văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Ðồng thời, cung cấp thông tin một số đơn vị sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp hiện đang được các địa phương quan tâm phát triển; những nội dung liên quan đến sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp cần lưu ý. Trên cơ sở đó, các địa phương thông báo, khuyến cáo người dân nhằm hạn chế rủi ro.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top