Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) phát triển dựa trên 3 trụ cột cơ bản: công nghệ sinh học, vật lý và kỹ thuật số. Sự hợp nhất cả 3 lĩnh vực này sẽ mang lại nhiều cơ hội đổi mới, trong đó có kinh tế.
Xu hướng tất yếu
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không những tạo ra tài nguyên, sản phẩm và tài sản mới mà còn tác động mạnh mẽ đến các nguồn lực xã hội gồm các thể chế, cấu trúc chính trị, xã hội và đặc biệt là mô hình kinh tế. Kinh tế nền tảng đã trở thành một mô hình kinh tế mới trong thế kỷ 21 và thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiến hành sản xuất kinh doanh. Mô hình hoạt động như một nền tảng tập trung liên kết người bán và người mua đa dạng, cung cấp nhiều loại hàng hóa, dịch vụ.
Kinh tế nền tảng là một hình thức tổ chức công nghiệp mới và định dạng mới nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí dựa trên công nghệ kỹ thuật số, ổ dữ liệu và hỗ trợ nền tảng cũng như thay đổi quy trình kinh doanh, hợp nhất chuỗi ngành và kết hợp nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt trong môi trường kinh tế mới được đóng góp bởi toàn cầu hóa, tin học hóa và kết nối mạng, sẽ là cơ sở cho sự phát triển thương mại trực tuyến, có tác động mạnh mẽ đối với hệ thống tài chính, ngân hàng do khả năng phi vật thể hóa (số hóa) và phi trung gian hóa.
Ngoài ra, kinh tế nền tảng còn mang đến cơ hội thúc đẩy chuyển đổi chiến lược phát triển sản xuất truyền thống, từ bỏ khái niệm sản xuất hàng loạt và sản xuất quy mô, đồng thời phát triển tính linh hoạt theo mô-đun và cá nhân hóa. Sản xuất bằng cách sử dụng kinh doanh nền tảng có thể giải quyết 3 vấn đề chiến lược mà ngành sản xuất truyền thống phải đối mặt.
Thứ nhất, tồn kho cao, chi phí cao và không đủ năng lực đổi mới.
Thứ hai, chuyển đổi chế độ quản lý theo định hướng phân cấp trước đây sang chế độ quản lý phẳng, thúc đẩy bởi các đơn hàng đặt trong nền kinh tế nền tảng. Nền tảng này giúp trao đổi thông tin và liên lạc hiệu quả hơn, phân cấp thông tin điểm - điểm giúp việc sản xuất và bán hàng của ngành sản xuất truyền thống hiệu quả hơn.
Thứ 3, chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp bằng cách sử dụng hệ thống thông tin và phát triển chuỗi cung ứng mở, các bên cùng có lợi với các nhà cung cấp để trở thành một nền kinh tế giá trị gia tăng.
Sự xuất hiện của hệ sinh thái nền tảng đã bao phủ mô hình công nghiệp ban đầu và làm mờ ranh giới công nghiệp, bởi doanh nghiệp dựa trên nền tảng có thể liên tục thực hiện các hoạt động xuyên biên giới dựa trên sản phẩm, dịch vụ cốt lõi và tích hợp các hoạt động kinh doanh để thúc đẩy chuyển đổi, nâng cấp công nghiệp. Điều này cũng giúp ngành sản xuất truyền thống thích ứng tốt hơn với cạnh tranh quốc tế trong việc mở rộng từ liên kết sản xuất ở đầu thấp của chuỗi giá trị đến hai đầu của “đường cong nụ cười” để hiện thực hóa sự chuyển đổi chiến lược và nâng cấp ngành sản xuất truyền thống.
Số liệu thống kê cũng cho thấy mô hình mới này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng: 60 trong số 100 công ty lớn nhất thế giới cũng có được thu nhập chính từ chế độ nền tảng.
Cơ hội của Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ.
Theo thống kê của báo Wall Street Journal (Mỹ), chỉ trong tháng 5-2023, Việt Nam nằm trong số 5 nước có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn Binance, đạt số tiền 20 tỷ USD. Có thể nhận thấy kinh tế nền tảng đã xuất hiện qua các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, cùng với đó là các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, GoViet... làm thay đổi hoàn toàn thị trường trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có một số ứng dụng như Zalo, MoMo, Be… góp phần phát triển kinh tế nền tảng.
Trong quá trình phát triển kinh tế nền tảng, để thực hiện tốt chương trình và định hướng của Chính phủ, cần xây dựng các thể chế, cấu trúc kinh tế bền vững nhằm điều chỉnh sự vận hành hiệu quả các chủ thể là Chính phủ, doanh nghiệp cung cấp và doanh nghiệp phát triển nền tảng cũng như khách hàng ở các lĩnh vực quan trọng.
Đầu tiên, xây dựng khung pháp lý cho mô hình kinh tế nền tảng, trong đó có việc công nhận các sản phẩm, tài sản và tài nguyên phi vật thể là những nguồn lực kinh tế - xã hội mới của thời đại 4.0, từng bước xây dựng chính sách thuế phù hợp, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiệu quả và toàn diện trong kỷ nguyên kinh tế nền tảng.
Thứ hai, quyền riêng tư và thương mại hóa dữ liệu: dữ liệu của khách hàng thúc đẩy nền kinh tế nền tảng, do đó tác động của luật về quyền riêng tư là không thể tránh khỏi.
Thứ 3, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: đăng ký và sử dụng nhãn hiệu thương mại, giấy phép, bản quyền, bằng sáng chế cũng như các cân nhắc thích hợp việc không tiết lộ/không gian lận.
Cuối cùng là cạnh tranh và chống độc quyền: đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp cung cấp và doanh nghiệp phát triển nền tảng cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.