Góc nhìn – Tiêu điểm

Hết thời “đầu cơ nghiệp”

10:13 - Thứ Bảy, 18/11/2023 Lượt xem: 5265 In bài viết

ĐBP - Vài năm trước, hộ nuôi thả khi bán một con trâu, bò là có một món tiền kha khá. Người dân vùng cao, biên giới bán trâu bò để làm nhà, mua xe máy…  Ðối với người nuôi trâu bò vỗ béo thì có thể lãi từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/con sau mỗi lứa nuôi 6 tháng.

Nhưng “thời vàng son” đó đã hết. Giá trâu bò hơi xuống dốc không phanh, người chăn nuôi đua nhau bán tháo.

Hai huyện biên giới được đánh giá có tiềm năng lớn phát triển chăn nuôi đại gia súc của tỉnh với những lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên. Nhưng hiện nay người chăn nuôi trâu, bò cũng không còn thiết tha. Từ hộ có vài con cho đến hộ có hàng chục con trâu, bò đều bán cho dù giá thấp. Ðặc biệt, nuôi trâu bò vỗ béo từng được xem là một hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, giá trị cao được nhiều hộ dân đầu tư, đến nay cũng nhạt nhòa.

Không thể cấm người chăn nuôi bán tháo gia súc. Bởi giá bán thấp, giá thức ăn tăng, quy hoạch lâm nghiệp, phát triển cây công nghiệp làm thu hẹp bãi chăn thả… Càng nuôi càng không hiệu quả.

Sẽ có ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân do người dân phát triển chăn nuôi tự phát, tăng đàn ồ ạt nên khi thị trường biến động sẽ khó khăn đầu ra. Ðiều đó đúng nhưng chưa đủ! Ðể cho “đủ” thì phải nói cả vấn đề: Vì sao có tình trạng tự phát, ồ ạt đó? Công tác quản lý đã tốt chưa? Ðã có quy hoạch, định hướng, đề án phát triển chăn nuôi thì phải hạn chế thấp nhất sự “không theo quy hoạch” chứ.

Thực tế thì không chỉ có tự phát trong chăn nuôi mà còn tự phát trong việc mua bán trâu, bò.

Tự phát chăn nuôi dễ dẫn đến nguy cơ vỡ quy hoạch, dịch bệnh; tự phát trong mua bán sẽ dẫn đến bị thương lái ép giá đầu ra. Ðặc biệt với bà con dân tộc vùng cao, biên giới, bởi không có đầu mối, không có cầu nối liên kết nên để bán được con trâu, con bò thì thông thường phải chờ người đến hỏi mua. Ðể ép giá, lái buôn viện ra nhiều lý do (đường xa, giá cước vận tải cao…) trong khi người dân vùng cao, vùng sâu thiếu thông tin thị trường, đặc biệt là trong tình cảnh nhiều người bán ít người mua nên “không bán cho họ thì bán cho ai?”

Người chăn nuôi bán để giảm chi phí (thức ăn, vật tư phòng dịch, công chăm sóc…) cũng là điều đương nhiên. Nhưng phải có giải pháp giảm đàn phù hợp. Bởi nếu giảm ồ ạt sẽ dẫn đến nguy cơ “đứt gãy” nguồn cung. Và khi thị trường phục hồi sẽ không có trâu, bò để bán.

Nhưng giải pháp “giảm phù hợp” thì người dân không thể tự nghĩ, tự làm. Cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý. Trước mắt là giảm thua thiệt cho người dân. Bởi vì đối với người nuôi gia súc chăn thả, chủ yếu là công chăm sóc và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẽ ít hoặc không bị lỗ nhưng với những hộ đầu tư trang trại, tập trung, nuôi trâu bò vỗ béo phải mua các loại thức ăn thì chắc chắn lỗ vốn, thậm chí lỗ nặng. Về lâu dài là phát triển chăn nuôi an toàn, thành lập các tổ hợp tác, liên kết chuỗi gắn với tiêu thụ, kết nối thị trường tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trâu, bò thịt.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top