ĐBP - Năm 2023, toàn xã Nà Tấu (TP.Điện Biên Phủ) trồng 130ha dong riềng (giảm 170ha so với năm 2022). Thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch và chế biến dong riềng. Song, để tránh tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường, vụ dong riềng năm 2023, UBND TP. Điện Biên Phủ đã yêu cầu các cơ sở chế biến trên địa bàn xã tạm dừng hoạt động.
Năm 2018, gia đình ông Lò Văn Quân, ở bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu đã vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng đầu tư hệ thống máy móc, bể chứa để chế biến dong riềng, với công suất 25-30 tấn/ngày. Từ khi đầu tư hệ thống này đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định; đồng thời tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng chục lao động thời vụ. Vụ dong riềng năm nay, cơ sở của ông buộc dừng hoạt động, với lý do chưa hoàn thiện thủ tục giấy phép về bảo vệ môi trường và hệ thống xử lý chất thải. Việc tạm dừng hoạt động khiến gia đình gặp nhiều khó khăn.
Ông Tâm cho biết: “Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng xem xét, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc để cơ sở sớm hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bà con. Gia đình tôi cũng vay ngân hàng một số vốn lớn để đầu tư máy móc, nếu không hoạt động sẽ khó hoàn trả công nợ.”
Trên địa bàn xã Nà Tấu còn 8 cơ sở khác cũng phải tạm dừng hoạt động. Hầu hết các cơ sở đều đầu tư máy móc công suất lớn, mỗi năm chỉ hoạt động rầm rộ khoảng chừng 2 tháng khi vào mùa dong riềng, còn lại để không.
Cơ sở chế biến dong riềng của anh Phạm Duy Hưng ở bản Trung tâm, xã Nà Tấu lại nằm trong một hoàn cảnh khác. Anh Hưng cho biết: Tôi đã tạm dừng hoạt động sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra UBND thành phố về công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường vào tháng 11/2022. Trong thời gian tạm dừng hoạt động tôi đã hoàn thiện hệ thống xử lý và thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường như: Hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải; đầu tư máy ép bã, ép bùn, máy sục khí... Tôi đã hoàn thiện hệ thống từ tháng 4/2023 để kịp cho vụ sản xuất năm nay và đã gửi hồ sơ cũng như đề án theo đúng các quy trình, quy định lên cơ quan chuyên môn song chưa có cơ quan nào xuống thẩm định để cấp phép. Hiện tại đã gần cuối vụ sản xuất dong riềng, tôi mong cơ quan chức năng sớm giải quyết, cấp phép cho cơ sở được hoạt động.
Trên địa bàn xã Nà Tấu hiện có 9 cơ sở chế biến dong riềng, qua rà soát đa số các cơ sở chế biến dong riềng này đều không có công trình xử lý chất thải, bã thải. Hoặc đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đảm bảo theo quy định, chưa đăng ký điểm đổ bã thải, có hiện tượng xả thải trực tiếp ra môi trường. Bởi vậy, vụ dong riềng năm nay, UBND TP. Điện Biên Phủ đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.
Để các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng thực hiện đảm về bảo vệ môi trường đúng theo quy định, UBND xã Nà Tấu đã ra Thông báo số 35/TB-UBND ngày 07/7/2023 và Thông báo số 54/UBND ngày 06/10/2023 về việc thực hiện nghiêm quy trình xử lý chất thải, nước thải trong chế biến dong riềng đã được gửi đến từng cơ sở. Qua thực tế kiểm tra, đến hiện tại hầu hết các cơ sở chưa có động thái, chưa thật sự quan tâm trong việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét ao, bể chứa nước thải. Một số cơ sở hoạt động lén lút vào ban đêm, khi tổ kiểm tra của xã đến làm việc thì các cơ sở không hợp tác, không chấp hành.
Không thể phủ nhận hoạt động của các cơ sở thu mua, sơ chế dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu những năm qua góp phần không nhỏ giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Song việc yêu cầu các cơ sở chế biến dong riềng dừng hoạt động vào đúng thời điểm mùa thu hoạch là bắt buộc nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Hữu Côn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Biên Phủ, cho biết: Để giải quyết những khó khăn cho các cơ sở chế biến dong riềng khi đã đầu tư máy móc và xây dựng hệ thống xử lý nhưng chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn, phòng sẽ trực tiếp hướng dẫn các cơ sở này hoàn thiện các thủ tục để tham mưu cho UBND thành phố cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật. Thành phố đã chỉ đạo UBND xã Nà Tấu tiến hành rà soát, thống kê lại toàn bộ diện tích trồng cây dong riềng trên địa bàn để có cơ sở tính toán sản lượng, công suất của các cơ sở chế biến dong riềng hiện có. Từ đó có phương án cấp giấy phép môi trường cho các cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tế vừa đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho bà con, vừa đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.