Thay đổi tư duy sản xuất để giảm nghèo

09:22 - Thứ Hai, 20/11/2023 Lượt xem: 5359 In bài viết

ĐBP - Là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, song những năm gần đây huyện Mường Chà là một trong những huyện có tốc độ giảm nghèo nhanh của tỉnh. Bên cạnh hàng loạt chính sách hỗ trợ được triển khai thì việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tập huấn giúp người dân chuyển đổi tư duy sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nỗ lực vươn lên bằng nhiều mô hình sản xuất mới đã góp phần quan trọng làm nên những thay đổi tích cực.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà giới thiệu mô hình lúa mới cho người dân xã Na Sang. Ảnh: C.T.V

Từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cây trồng. Sau nhiều lần được tư vấn, nghiên cứu, tham khảo, bà con bản Púng Giắt 1 đã lựa chọn triển khai mô hình trồng bí xanh. Tháng 5/2023, nhóm liên kết sản xuất được thành lập nhằm tập hợp, kết nối nông dân sản xuất bí theo tiêu chuẩn. Với sự kết nối của chính quyền và ngành nông nghiệp, các đơn vị liên kết cung cấp giống, vật tư, quy trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm, người dân góp đất và công lao động.

Ông Lò Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mươn cho biết: Từ việc lựa chọn cây giống, chăm sóc, phân bón hay phòng trừ sâu bệnh đều theo tiêu chuẩn nên người dân phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật để mang lại sản phẩm có chất lượng, cung cấp cho đơn vị bao tiêu. Với những yêu cầu khắt khe, thời gian đầu triển khai gặp nhiều khó khăn do bà con nơi đây chủ yếu đã quen với tập quán canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, ít áp dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, sau nhiều lần tuyên truyền và tập huấn kỹ thuật thì hiện nay nhân dân tuân thủ tốt.

Ðến nay, tại Púng Giắt 1 đã có 26ha đất chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Người dân tham gia mô hình đã có 10 đợt thu hoạch, mỗi đợt cho sản lượng từ 5 - 6 tấn. Trong đó, người dân góp đất được hưởng 60% giá trị lợi nhuận còn đơn vị liên kết hưởng 40%. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, đây là mô hình chuyển đổi đầu tiên của xã mang lại lợi nhuận.

Còn tại xã Mường Tùng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và định hướng, hỗ trợ của Hội Nông dân, nhiều gia đình đã mạnh dạn triển khai mô hình sản xuất mới, như: Chăn nuôi trâu, bò; trồng bưởi da xanh... Một số hộ lắp đặt hệ thống tưới tiêu chăm sóc cây tự động nhằm giảm sức lao động và tăng hiệu quả sản xuất.

Gia đình anh Lò Văn Xuân, bản Mới, xã Mường Tùng trước đây cuộc sống phụ thuộc canh tác lúa, ngô theo lối truyền thống; giá cả bấp bênh, thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá hoặc ngược lại nên đã quyết định chuyển sang nuôi thủy sản.

“Tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng. Cán bộ Hội Nông dân định hướng và hướng dẫn nuôi cá trắm, cá rô thương phẩm. Số tiền vay đủ để gia đình đầu tư đào ao, mua con giống, thức ăn chăn nuôi. Sau mỗi vụ, tôi lại tiếp tục quay vòng vốn để sản xuất. Lợi nhuận từ mỗi lứa cá khoảng vài chục triệu đồng đã từng bước giúp kinh tế gia đình ổn định hơn” - anh Xuân cho biết.

Ông Lù Văn Vịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Tùng cho biết: Dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã hiện đạt hơn 36 tỷ đồng. Do bà con dân tộc thiểu số kiến thức sản xuất còn hạn chế nên cùng với làm “cầu nối” tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách nhanh nhất, tổ chức hội còn định hướng, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả. Ðặc biệt là phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; tổ chức cho bà con tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình mới ở nhiều địa phương có điều kiện tương đồng.

Thống kê trên toàn huyện Mường Chà hiện đã triển khai 72 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 163,13 tỷ đồng. Một phần đầu tư từ Dự án 3, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, xác định công tác truyền thông, thay đổi nhận thức là trọng tâm nên huyện đã tạo điều kiện tối đa cho việc thành lập các đoàn công tác đến các địa bàn khác khảo sát, tìm hiểu, lựa chọn mua cây giống, con giống bảo đảm chất lượng, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để đưa về Mường Chà phát triển theo chuỗi giá trị, vùng trồng tập trung. Các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể đồng hành, hỗ trợ người dân theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, “người thật việc thật”. Qua đó, góp phần giảm 5,53% hộ nghèo đa chiều toàn huyện trong năm 2022, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,52%; năm 2023 ước giảm 5,51% hộ nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số ước giảm 5,51%.

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top