Thúc đẩy cho vay tiêu dùng cuối năm

09:22 - Thứ Hai, 27/11/2023 Lượt xem: 5041 In bài viết

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm 2023, cũng như “giải phóng” nguồn tiền lớn đang trong tình trạng nhàn rỗi, nhiều ngân hàng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với nhiều ưu đãi.

Đáng chú ý, lãi suất cho vay tiêu dùng chỉ bằng 50% so với thời điểm này năm 2022. Cuối năm cũng là dịp nhu cầu mua sắm tăng cao, là cơ hội để các ngân hàng thúc đẩy giải ngân.

Những gói vay tiêu dùng với nhiều ưu đãi của ngân hàng đang kích thích tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm 2023. Ảnh: Nhật Nam

Điều kiện cho vay đơn giản hơn

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từ nay đến hết năm 2023, khách hàng cá nhân có thể vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 7,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu hoặc từ 7,8%/năm áp dụng trong 12 tháng đầu. Nếu vay tối thiểu 60 tháng có thể chọn ưu đãi lãi suất từ 8,3%/năm áp dụng trong 18 tháng và 24 tháng hoặc từ 9,3%/năm áp dụng trong 36 tháng đầu tiên (lãi suất ưu đãi áp dụng từ thời điểm giải ngân lần đầu).

Ngoài ra, BIDV còn triển khai gói vay trung, dài hạn phục vụ nhu cầu đời sống (như mua nhà ở, ô tô, tiêu dùng...), với hạn mức cho vay tối đa 100% phương án vay, thời gian cho vay tối đa 84 tháng.

Riêng với khách hàng làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục..., ngân hàng cho vay vốn tiêu dùng không cần tài sản bảo đảm (vay tín chấp) để xây, sửa nhà, mua nội thất..., với số vốn vay gấp 36 lần thu nhập bình quân tháng, tối đa đến 500 triệu đồng, lãi suất từ 7,5%/năm.

Hay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), khách hàng có thể vay tiêu dùng với tỷ lệ cho vay tối đa 95% nhu cầu vốn; hạn mức cho vay lên đến 5 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (BVBank), gói tín dụng lãi suất chỉ từ 6,5%/năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân vay mua sắm, tiêu dùng hoặc khách hàng vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà...

Đại diện BVBank cho biết, với gói tín dụng này, khách hàng có thể vay 120 tháng, số tiền vay lên đến 15 tỷ đồng có thể đáp ứng mọi nhu cầu vốn. Đặc biệt, nhờ áp dụng công nghệ, chuyển đổi số giúp quá trình thẩm định hồ sơ, thủ tục vay vốn nhanh gọn, rút ngắn sẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh của ngân hàng này.

Tương tự, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác như: Sài Gòn Hà Nội (SHB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Tiên Phong (TPBank), Phương Đông (OCB), Bưu điện Liên Việt (LPBank), Á Châu (ACB)... cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để kích thích nhu cầu tín dụng và tiêu dùng cuối năm.

Các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng lãi suất thấp để kích thích nhu cầu tín dụng và tiêu dùng cuối năm. Ảnh: Viết Thành

Tăng trưởng tín dụng có thể được cải thiện

Theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, với định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện và đạt trên 10% so với đầu năm, nhờ vào việc nhu cầu tiêu dùng trong nước và trên thế giới tăng trở lại trong dịp lễ, Tết cuối năm.

Thực tế, để kích cầu tín dụng cuối năm, bên cạnh giảm lãi suất các ngân hàng đang tích cực tìm kiếm khách hàng tốt ở những phân khúc triển vọng để cho vay. Những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế như đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu tăng trở lại, sức cầu tiêu dùng thường tăng dịp cuối năm, khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dần được tháo gỡ... cũng sẽ góp phần kích thích nhu cầu vay vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng nhận định, thời điểm này, không còn những quy định “thắt chặt” như các năm trước, điều kiện cho vay đã được “nới lỏng” nhằm tạo điều kiện cho khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng cải thiện tăng trưởng tín dụng vốn đã chậm lại từ đầu năm 2023.

Về phía các ngân hàng, đại diện LPBank khẳng định, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn mức vay, thời hạn vay và kỳ trả nợ, ngân hàng sẽ dựa vào uy tín của người vay để xét duyệt hạn mức vay cũng như thời hạn cho vay. Uy tín của người vay sẽ thể hiện qua việc xác minh thu nhập cũng như xác minh lịch sử tín dụng. Khách hàng có thể lựa chọn các tài sản bảo đảm cho khoản vay như: Xe ô tô, bất động sản, tiền gửi... hay nguồn trả nợ linh hoạt gồm thu nhập từ tiền lương, thưởng, tiền công; thu nhập từ lãi phát sinh từ số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ, thẻ tiết kiệm...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay... hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú:
Cho vay tiêu dùng còn nhiều tiềm năng

Tại Việt Nam, khi điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng, vượt qua ngưỡng của các nước đang phát triển thì cho vay phục vụ tiêu dùng là nhu cầu hết sức khách quan và cần thiết của xã hội. Cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng được đánh giá còn nhiều tiềm năng. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ lệ khá cao.

Để quản lý hoạt động tín dụng tiêu dùng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định về giới hạn giải ngân, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống để quản lý hiệu quả chất lượng tín dụng cũng như kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng tiêu dùng phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường trong thời gian tới và phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ tài chính cho người dân.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng:
Hoàn thiện quy định quản lý công ty tài chính

Toàn hệ thống hiện có 84 tổ chức tín dụng triển khai tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế. Do đó, đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022.

Để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, cần tiếp tục hoàn thiện quy định quản lý, giám sát các công ty tài chính, tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển. Các chính sách ban hành cần hướng tới chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (fintech, cho vay ngang hàng, mobile money...).

Trưởng ban Khách hàng cá nhân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Linh Đức Hoàng:
Cho vay tiêu dùng hạn chế “tín dụng đen”

Cho vay tiêu dùng được Agribank quan tâm, tỷ trọng dư nợ cho vay chiếm 27%, quy mô dư nợ khoảng 300.000 tỷ đồng. Hiện, Agribank đang có các chương trình hướng tới đối tượng ưu tiên, như dành 5.000 tỷ đồng cho vay hạn chế tín dụng đen, khách hàng nhỏ lẻ khu vực nông nghiệp, nông thôn; dành 10.000 tỷ đồng cho cán bộ, nhân viên y tế vay ưu đãi; dành 15.000 tỷ đồng cho cán bộ hưởng lương ngân sách nhà nước vay... Để thúc đẩy cho vay tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen” theo chỉ đạo của Chính phủ, ngoài hệ thống ngân hàng, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội cần chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền chính sách vay vốn để người dân nắm được và tiếp cận nguồn vốn tín dụng công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần sớm cho phép và hướng dẫn các tổ chức tín dụng kết nối khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top