Tuần Giáo giữ “nhịp” chăm sóc cây mắc ca

15:07 - Thứ Hai, 27/11/2023 Lượt xem: 6653 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 4 tháng đồng loạt ra quân trồng cây, các diện tích mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện đang phát triển tốt, dù có giai đoạn một số cây bị chết, vàng lá. Cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc với nhân dân giữ “nhịp”, giữ “nhiệt” chăm sóc mắc ca, cùng hướng đến mục tiêu cây khỏe, sinh trưởng tốt, tiền đề cho những mùa quả sau này...

Vào cuộc “cứu cây”

Trong năm, Tuần Giáo đã hoàn thành trồng 980ha cây mắc ca với 256.964 cây. Các diện tích cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ nảy mầm, bật chồi cao (trên 98%). Tuy nhiên đến cuối tháng 9, sau 2 tháng xuống giống, cục bộ tại một số vườn mắc ca trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng lá úa vàng, cây chết. Tỷ lệ chết so với số cây đã trồng không cao nhưng nguy cơ vẫn còn nếu không kịp thời khắc phục.

Ngay khi nắm bắt tình hình, UBND huyện Tuần Giáo đã đi thực tế kiểm tra, xác định nguyên nhân cây chết là do

 trồng sai kỹ thuật; và tổ chức họp trực tuyến với các xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, đại diện các gia đình trồng mắc ca. Từ đó quyết liệt các biện pháp khắc phục, chăm sóc, hạn chế số cây chết.

Ông Phạm Đức Hiển, Phó Giám đốcTrung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: “Theo sự chỉ đạo của UBND huyện, cán bộ trung tâm phối hợp cùng các xã xuống kiểm tra từng điểm, từng hộ có cây chết hoặc hiện tượng vàng lá. Xác định một số gốc do người dân trộn phân bón không đều, vón cục. Trong hơn 1 tuần, cán bộ trực tiếp đi từng vườn để hướng dẫn các gia đình khắc phục diện tích cây trồng sai kỹ thuật. Với cây bị vàng lá, tiến hành sửa lại hố trồng, trộn đảo phân theo hướng dẫn, tưới nước sau khi sửa hố. Với hố có cây đã chết, tuyên truyền trộn ủ lại, cắm cọc đánh dấu để vào vụ tới trồng mới”. Chỉ thời gian ngắn sau khi khắc phục, không còn cây có hiện tượng vàng lá, tiếp tục sinh trưởng, phát triển. Tỷ lệ cây sống trong toàn huyện đến nay đạt trên 93%.

Quài Nưa là một trong những địa bàn trồng mới mắc ca nhiều nhất huyện. Năm nay Quài Nưa trồng 192ha với gần 500 hộ tham gia. Nửa cuối tháng 9, rải rác ở các bản trong xã xuất hiện tình trạng cây mắc ca chết (12/12 bản, mỗi bản một vài hộ), qua kiểm tra, thống kê tổng số cây chết là 7%. Ông Lò Văn Pọm, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Các hộ có cây chết chủ yếu là hộ thiếu nhân lực, phải thuê, mượn người làm nên nhiều gốc chưa làm đúng kỹ thuật đã hướng dẫn ban đầu. Xã phân công mỗi bản 1 đồng chí trong Ban Chấp hành đảng bộ xã, cùng 1 – 2 cán bộ xã trực tiếp vào bản họp dân, quán triệt cách chăm sóc, khắc phục. Sau đó làm điểm ở 1 vườn, rồi lại đến từng hộ hướng dẫn, giám sát. Nhờ đó các cây vàng lá (khoảng 8%) đều kịp thời được phục hồi, hiện đã xanh tốt, tiếp tục mọc chồi, mầm”.

Đồng hành chăm sóc cây

Sau khắc phục tình trạng trên, cùng với cập nhật liên tục trên nhóm zalo trồng mắc ca thông tuyến từ huyện xuống bản, Tuần Giáo thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra thực tế cây mắc ca, định kỳ họp nắm tình hình và chỉ đạo các công tác chăm sóc mắc ca theo từng giai đoạn và điều kiện thời tiết.

Đặc biệt vào thời điểm cuối tháng 10, sau 3 tháng trồng, cây vào thời kỳ kiến thiết cơ bản, cần tưới nước thường xuyên để giữ ẩm, giúp cây phát triển nhanh thân, cành, lá. Tuy nhiên khi ấy diện tích cây mắc ca được tưới nước chỉ đạt 46,4%, do một số người dân có tâm lý chủ quan và một số xã thiếu nguồn nước như: Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông. Bởi vậy Tuần Giáo lại cùng vào cuộc chăm sóc, tưới nước cho cây.

Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Việc đảm bảo cho cây phát triển tốt giai đoạn đầu này rất quan trọng. Trong đó nước là yếu tố không thể thiếu. Đang vào mùa hanh khô, huyện chủ trương đến hết tháng 3/2024, mỗi gốc cây cần được tưới nước thường xuyên 2 lần/tuần. Với các xã khó về nguồn nước thì huyện cùng vào cuộc; huy động, phân công nhiệm vụ cho đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, lực lượng dân quân tự vệ, giáo viên... tổ chức giúp các gia đình khó về nguồn nước, thiếu nhân công lao động. Những xã còn lại thì chủ động phân công các tổ chức đoàn thể, cán bộ xã giúp đỡ các hộ gặp tình trạng tương tự”.

Song song với đó, Tuần Giáo tổ chức gặp mặt, đối thoại hơn 2.000 hộ dân trồng mắc ca, với sự tham gia trực tiếp của Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Các buổi đối thoại được tổ chức ở từng địa bàn - 18/18 xã triển khai dự án. Qua đó nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, niềm tin của nhân dân ngày càng nâng lên. Sau đối thoại, người dân đã chủ động và nhận thức cao hơn trong việc tưới cây, chăm sóc mắc ca.

Tại xã Nà Tòng, ông Đèo Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã duy trì định kỳ 2  lần tưới nước cho cây mắc ca/tuần, vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, với mức 3 – 5 lít nước/cây. Xã chỉ có gần 40ha cây mắc ca với 95 hộ tham gia trồng, nhưng có đến gần 1 nửa hộ thiếu nước tưới. Hộ nào thuận lợi thì kéo ống dẫn nước, dùng máy bơm tưới. Hộ nào khó đã chủ động đào hố tại vườn, rải bạt để đựng, hứng nước, đảm bảo nước tưới cho cây (49 hộ). Nhờ đó, diện tích mắc ca tại Nà Tòng đang phát triển rất tốt”.

Đây cũng là cách làm đang được nhân rộng thực hiện trên toàn địa bàn huyện Tuần Giáo. Nhận thức được giá trị của cây mắc ca và coi đây chính là tài sản mình làm chủ, nhiều hộ khó khăn về nguồn nước tưới cây đã khắc phục bằng đào hố, rải bạt để đựng nước, hứng nước. Cũng không ít hộ cần mẫn gánh nước, chở nước vượt đường khó, nương cao đến từng gốc cây. Thông tin cập nhật hàng tuần về tỷ lệ các hộ dân tưới nước cho cây mắc ca ghi nhận: Từ 46,4% cây được tưới ban đầu, đến nay đã nâng lên trên 90%, các xã đều duy trì đều đặn 1 – 2 lần tưới cây/tuần (trừ khi thời tiết mưa ẩm), giúp cây đủ nước phát triển bộ rễ, ra nhiều lộc lá, tạo nền tảng tốt cho những cây mắc ca khỏe mạnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top