Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

09:28 - Thứ Năm, 07/12/2023 Lượt xem: 5021 In bài viết

ĐBP - Để đạt được mục tiêu giải ngân đạt trên 95%, các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư cần phảo rất nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.

Tiến độ chậm

Năm 2023, vốn kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh được giao hơn 4.624 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách địa phương gần 1.300 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hơn 2.148 tỷ đồng; vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia hơn 1.176 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh mới đạt 49,8%, thấp hơn mức tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (51,4%).

Tỷ lệ giải ngân vốn đến hết tháng 11 không đạt mục tiêu tỉnh đề ra (đến hết quý III tối thiểu đạt 70%). Trong đó, một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp đã kéo giảm tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh, như: Nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, ước giải ngân mới đạt gần 23%; vốn nước ngoài mới đạt hơn 28,2%; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đạt 44,7%...

Đối với nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 (gần 617,5 tỷ đồng), gồm vốn ngân sách Trung ương tỷ lệ giải ngân đạt 43,2%; vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt 57,6% và vốn ngân sách địa phương đạt gần 17,6%.

Về tình hình giải ngân của các đơn vị chủ đầu tư, đến nay có 22/40 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của tỉnh; 18/40 đơn vị có tỷ lệ giải ngân ở mức dưới tỷ lệ trung bình của tỉnh (trong đó 3 đơn vị chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân trong 10 tháng của năm 2023).

Bên cạnh nguyên nhân khách quan như Chính phủ giao vốn chậm; một số bộ ngành Trung ương chậm ban hành các hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; mưa lũ ảnh hưởng tiến độ… thì chủ yếu do yếu tố chủ quan.

Trước hết, tiến độ phân bổ chi tiết kế hoạch đầu năm 2023 chưa đảm bảo, đến hết năm 2022 mới đạt 92,44%. Vốn bố trí từ nguồn thu tạo ra từ đấu giá quyền sử dụng đất để bố trí vốn các dự án trọng điểm của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, năng lực lập kế hoạch, kiểm soát hồ sơ dự án, tổ chức triển khai thực hiện tại một số đơn vị còn nhiều bất cập. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư chậm, dẫn đến nhiều dự án mặc dù được giao kế hoạch vốn từ đầu năm nhưng chưa hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế và công tác lựa chọn nhà thầu. Sự phối hợp giữa các đơn vị chủ đầu tư với các cơ quan và các địa phương có dự án đầu tư chưa được nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là trong việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự án.

Đặc biệt, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm. Chỉ tính riêng các dự án trọng điểm của tỉnh, có 11 dự án về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và 26 dự án phát triển nhà ở đô thị, các khu đô thị, thương mại, dịch vụ, song hầu hết các dự án chậm tiến độ vì lý do vướng mặt bằng.

Đơn cử, dự án Đường động lực chưa thể đồng loạt triển khai. Dự án bao gồm 11 gói thầu xây lắp, đặc biệt tại các gói thầu số 4, 5, 6 trong khu vực trung tâm hành chính chính trị tỉnh và gói thầu số 7 chưa có mặt bằng thi công; một số gói thầu khác có mặt bằng nhưng ít, ngắt quãng dẫn đến khó thi công. Từ tháng 6 đến nay, dự án không triển khai thi công được do chưa giải phóng mặt bằng. Vì vậy, khối lượng thực hiện dự án mới đạt gần 28,8%, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giải ngân vốn.

Phấn đấu mục tiêu trên 95%

Theo ông Bùi Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%, trong đó đến hết quý IV/2023 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm nay tỷ lệ giải ngân đạt 100%), UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị, địa phương và chủ đầu tư. Trong đó, tăng cường kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát, điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn đối với dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn. Điều chuyển kế hoạch vốn các dự án đến 15/11/2023 không có khả năng giải ngân, thanh toán hết kế hoạch vốn giao.

Theo đó, tỉnh điều chỉnh giảm gần 26 tỷ đồng vốn của 12 dự án, đồng thời điều chỉnh tăng vốn tương ứng cho 12 dự án có tỷ lệ giải ngân cao. Điều chỉnh giảm 15 tỷ đồng của dự án xây dựng khu, điểm tái định cư Khu trung tâm hành chính chính trị tỉnh để tăng 10 tỷ đồng cho dự án sửa chữa Sân vận động tỉnh và 5 tỷ đồng cho các dự án khác.

Với nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, HĐND tỉnh đã điều chỉnh giảm hơn 14,7 tỷ đồng của 4 dự án và bổ sung tương ứng nguồn vốn cho 17 dự án khác. Đối với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, điều chỉnh giảm hơn 56,6 tỷ đồng của 19 dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 đã giao; đồng thời điều chỉnh tăng tương ứng nguồn vốn cho 29 dự án. Đơn cử, dự án bổ sung cơ sở vật chất Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Năm 2023, kế hoạch vốn dự án 50 tỷ đồng song tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 9/2023 mới đạt 32%, do đó đề xuất điều chỉnh kế hoạch năm 2023 là 25 tỷ đồng.

Bên cạnh giải pháp điều chỉnh vốn, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư tiếp tục nỗ lực giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh. Xây dựng chi tiết kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân đối với số vốn được giao.

Đối với các dự án hoàn thành trong năm 2023 và dự án chuyển tiếp, tập trung tối đa nguồn lực, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tổ chức nghiệm thu thanh toán và giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi có khối lượng. Với dự án khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công, đảm bảo tiến độ.

Trong trường hợp đến hết tháng 1/2024, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao 2023 và các chương trình, dự án không thuộc trường hợp được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo tỉnh trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 tương ứng số vốn không giải ngân hết. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top