Phát triển bền vững, trong đó lấy tăng trưởng xanh làm cốt lõi, đã được cộng đồng quốc tế xác định như một sự lựa chọn khôn ngoan nhất, đầy hứa hẹn nhưng cũng không dễ dàng trên con đường tương lai của nhân loại.
Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đặt mục tiêu và dồn các nguồn lực cùng sự quyết tâm nhằm hiện thực hóa khát vọng này.
Song hành với khó khăn, thách thức
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức; đặc biệt trong việc bảo đảm tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển. Vì thế, vừa chủ động giải quyết các vấn đề để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ít carbon hơn và tuần hoàn, nhưng cũng phải bảo đảm tính bao trùm, toàn diện, “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đây là lựa chọn dài hạn, cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách.
Nhiều hạn chế, thách thức đã được nhận diện và xác định là không dễ khắc phục trong một sớm một chiều. Đó là? các doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững, vừa là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển dịch, khi khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp…
Ở góc độ địa phương, sự khác biệt về đặc điểm tự nhiên, dân số, đời sống xã hội dẫn tới sự chênh lệch trong phát triển. Điều đó thể hiện qua trình độ lao động, nguồn lực nội tại để tạo nên khả năng chuyển dịch trong "xanh hóa" nền kinh tế giữa các vùng, địa phương.
Trên thực tế, lượng phát thải carbon vẫn tiếp tục gia tăng bên cạnh những loại hình ô nhiễm truyền thống như bụi, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước… gộp lại đang gây áp lực lớn, thật sự là gánh nặng đối với quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh. Hệ quả cuối cùng là ảnh hưởng đến chất lượng sống, mức độ an toàn đối với xã hội, hiệu quả của nền kinh tế.
Theo Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học quốc gia Singapore), trước tình hình trên, nếu không nỗ lực chuyển đổi xanh, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm.
Chủ động "xanh hóa" đời sống và sản xuất
Các chuyên gia nhấn mạnh việc định hình rõ ràng về lộ trình cho tương lai, theo hướng hiện đại và gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng với nâng cao chất lượng sống, bảo vệ con người kết hợp sản xuất thân thiện với môi trường.
Xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để cụ thể hóa, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, đã xác định, đề cập một cách toàn diện từng lĩnh vực liên quan đến sản xuất, vận hành và đời sống xã hội.
Việt Nam xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Tiến sĩ Vũ Minh Khương đánh giá, Việt Nam có rất nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh bởi những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ năng lượng tái tạo. Đồng thời, tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn với đường bờ biển dài, nhiều gió và mặt trời…
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển vững. Đó là, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau dịch Covid-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững. Đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế...
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; nâng cao nhận thức, thúc đẩy hợp tác giữa các bên... cũng là những giải pháp quan trọng nhằm sớm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.