Để tài sản công không lãng phí: Cách tiếp cận mới từ cơ chế, chính sách (1)

09:18 - Thứ Sáu, 08/12/2023 Lượt xem: 5282 In bài viết

Quản lý, sử dụng tài sản công là vấn đề lớn, nhiều khó khăn, thách thức và thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập. Phóng viên Báo Hànộimới đã tìm hiểu và làm rõ những vấn đề tồn tại, từ đó ghi nhận các kiến nghị, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách để quản lý, sử dụng tài sản công một cách hiệu quả hơn, qua loạt bài viết "Để tài sản công không lãng phí: Cách tiếp cận mới từ cơ chế, chính sách".

Bài 1: "Bức tranh" quản lý, sử dụng công sản

Tài sản công (còn gọi là công sản) là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Vì vậy, việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Thời gian qua, "bức tranh" quản lý, sử dụng công sản đã có chuyển biến rõ rệt, song vẫn còn những tồn tại, bất cập cần nhận diện.

Khu đất phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là đất công sản, từng được giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, đã trở thành bãi trông giữ và rửa xe. Ảnh: Đỗ Tâm

Tài sản công - nguồn lực lớn

Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ vào tháng 5-2023, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật, vận hành có hiệu quả.

Tính đến ngày 31-12-2022, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1.777.122,53 tỷ đồng. Cụ thể, giá trị tài sản là quyền sử dụng đất là 1.123.845,70 tỷ đồng, giá trị tài sản là nhà 453.373,25 tỷ đồng; tài sản là vật kiến trúc 41.718,54 tỷ đồng; tài sản là ô tô 26.010,89 tỷ đồng; tài sản là phương tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô) 1.142,47 tỷ đồng; tài sản là máy móc, thiết bị 105.534,04 tỷ đồng; tài sản cố định hữu hình khác 16.995,08 tỷ đồng…

Trong những năm qua, có nhiều văn bản pháp quy liên quan đến quản lý tài sản công đã được ban hành, như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Nghị định số 151/2017/ NĐ-CP ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27-12-2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc, công trình sự nghiệp; Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP…

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công còn được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chuyên ngành của từng loại tài sản công, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...

Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hơn 10 thông tư hướng dẫn về quản lý, sử dụng tài sản công. Đây là cơ sở pháp lý để các cấp, ngành, đơn vị quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công.

Đáng chú ý, tài sản công được khai thác hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển; tạo lập nguồn lực tài chính phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Việc quản lý cũng từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở bảo đảm quyền sở hữu toàn dân.

Việc thực hiện các quyết định về hình thành, sử dụng, khai thác và xử lý tài sản công thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công. Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định theo nguyên tắc “tài sản cấp nào do cấp đó quyết định”. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành quy định về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công, trừ một số cơ quan trung ương không có các đơn vị cấp dưới.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành ngày càng đầy đủ và đồng bộ các văn bản chỉ đạo về lĩnh vực này, với quan điểm đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cụ thể tại Nghị quyết số 07-NQ/TƯ ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đã đề ra một trong những chủ trương, giải pháp chủ yếu là: “… Tăng cường quản lý, khai thác, huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công”.

Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đề ra một trong những giải pháp chủ yếu, trọng tâm là: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Công tác cán bộ, tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên...”.

Hiệu quả và những tồn tại

Trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công nói chung và nhà, đất công sản nói riêng trên cả nước ngày càng được quan tâm, chú trọng và đã có kết quả, chuyển biến rõ rệt.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc quản lý dần đi vào nền nếp; tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản từng bước được khắc phục; ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được nâng lên; hiệu quả kinh tế trong sử dụng, khai thác tài sản công bước đầu được chú trọng, góp phần quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng phương án và sắp xếp lại, xử lý, chuyển giao cơ sở nhà đất, trụ sở các cơ quan đã có kết quả đáng khích lệ.

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước từ đất đai không ngừng tăng lên hằng năm so với tổng thu ngân sách cả nước, từ 63.681 tỷ đồng, chiếm 7,8% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 lên 254.854 tỷ đồng, chiếm 16,85% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020; trong đó chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Như vậy, con số trên là không nhỏ trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn tình trạng quản lý, sử dụng nhà, đất chưa đúng quy định và không hiệu quả như: Cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích; còn tình trạng lãng phí, thất thoát. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi đã được địa phương giao đất, cho thuê đất tại vị trí mới để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhưng nhà, đất tại vị trí cũ để trống. Một số cơ quan, đơn vị ở trung ương khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhưng không đề xuất phương án đối với nhà, đất phải sắp xếp nên dẫn đến tình trạng hoang hóa…

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm. Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng.

(Còn nữa)

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top