ĐBP - Sau gần 9 tháng thi công đến nay, cầu Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng hướng tới Lễ khánh thành vào ngày 10/12 tới đây. Cây cầu không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, mà còn là một điểm nhấn về kiến trúc khi có sự kết hợp hài hòa giữa thẩm mỹ và kinh tế.
Chỉ còn khoảng hơn 1 ngày nữa, cầu Thanh Bình sẽ khánh thành, vậy nên đến thời điểm này, cán bộ, công nhân Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 đang tập trung nhân lực và máy móc để hoàn tất các phần việc cuối cùng. Đến nay, hình hài của cây cầu đã dần hiện diện với thiết kế vô cùng bắt mắt. Thiết kế kiến trúc ba vòm thép kiểu tiết diện hộp rỗng, kín, với điểm nhấn là biểu tượng chiếc cọn nước và 2 chiếc khèn 2 bên vòm cầu; đó chính là hình ảnh biểu tượng đại diện cho sự đa dạng, nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên cầu Thanh Bình.
Điện Biên là địa phương có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông có số lượng đông nhất, tiếp đến là dân tộc Thái. Việc quy tụ đông đảo các dân tộc đã mang lại cho Điện Biên một kho di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, vô cùng đặc sắc. Tuy nhiên, mỗi dân tộc có một nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán riêng và việc thể hiện tất cả các nét đẹp văn hóa trên cây cầu là điều không thể. Chính vì vậy, việc chọn biểu tượng đặc trưng của 2 dân tộc đông nhất trên địa bàn tỉnh đã thể hiện nét đẹp văn hóa đặc sắc của Điện Biên. Hình ảnh chiếc cọn nước được thiết kế với đường kính rộng 9m nằm giữa trung tâm cầu đã tạo ra nét đặc trưng cho cây cầu mà không thể nhầm lẫn với bất kỳ địa danh nào khác trên dải đất hình chữ “S”.
Việc đầu tư xây dựng cầu Thanh Bình có ý nghĩa hết sức cần thiết và quan trọng, không chỉ đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân, mà còn là điểm nhấn về kiến trúc cho địa phương. Từ đó hướng đến một TP. Điện Biên Phủ ngày càng hiện đại và văn minh trong lòng du khách khi đến với Điện Biên trong dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới.