Để tài sản công không lãng phí: Cách tiếp cận mới từ cơ chế, chính sách (3)

Bài 3: Công sản thừa không được khai thác, sử dụng

09:03 - Chủ Nhật, 10/12/2023 Lượt xem: 5238 In bài viết

Không chỉ sai phạm trong quá trình định giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gây lãng phí tài sản công, việc sử dụng tài sản công cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, gây lãng phí. Trên thực tế, có nhiều trụ sở, cơ quan cũ không được sử dụng, khai thác, bị bỏ hoang đã gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Trụ sở Cục Thống kê thành phố Hà Nội cơ sở II (quận Hà Đông) xuống cấp do lâu ngày không sử dụng. Ảnh: Hương Thủy

Trụ sở “phơi nắng, phơi mưa”

Hà Nội, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô (từ năm 2008), do hợp nhất các cơ quan, đơn vị (của tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội) nên nhiều trụ sở không sử dụng và chưa được khai thác.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong tháng 10-2023 cho thấy, trụ sở Cục Thống kê thành phố Hà Nội cơ sở II nằm ở vị trí khá đắc địa trên con phố sầm uất Tô Hiệu (quận Hà Đông) đã rơi vào cảnh xuống cấp. Xung quanh khu nhà, cỏ dại mọc, rêu phong bám. Bước vào cổng trụ sở là quán sửa xe máy không rõ “mọc” lên từ bao giờ. Ở bên trong, các phòng làm việc bụi phủ dày. Cách đó không xa là trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân cũng trong tình trạng cửa đóng then cài. Do lâu ngày không sử dụng, cơ sở tại đây đã xuống cấp, nhiều khoảng tường bị bong tróc.

Đây cũng là tình trạng xảy ra ở không ít địa phương khác sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện số cơ sở nhà đất của huyện, thị xã, thành phố dôi dư khá nhiều. Các công trình, tài sản công dôi dư sau sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh có 3 nhóm, gồm: Trụ sở làm việc cấp xã, trung tâm văn hóa cấp xã, trạm y tế cấp xã, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố; trụ sở các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện đã thực hiện sắp xếp; trụ sở các cơ quan trung ương trên địa bàn. Nhìn chung, các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp cơ quan, đơn vị hành chính chưa có phương án xử lý cụ thể; nhiều tài sản không sử dụng trong thời gian dài, đã bị hư hỏng, xuống cấp, hoang phế; việc chuyển đổi công năng sử dụng, bàn giao công trình, tài sản công cho cơ quan, đơn vị khác quản lý, sử dụng chưa nhiều, gây lãng phí tài sản của Nhà nước...

Bộ Tài chính cho biết, trụ sở nhà, đất công để hoang hóa, lãng phí, xuống cấp hiện nay chủ yếu là nhà, đất phải xử lý khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thực tế việc thực hiện các phương án xử lý nhà, đất khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là phương án bán, chuyển nhượng còn chậm, dẫn đến một số cơ sở nhà, đất bỏ trống, xuống cấp. Đến nay còn gần 500 cơ sở nhà, đất giai đoạn 2019-2021 dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa xử lý.

Trong khi đó, số liệu báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi về Bộ Tài chính cho thấy, tổng số cơ sở nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50%) thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, là 266.502 cơ sở. Tính đến ngày 31-8-2023, tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 189.524 cơ sở; số cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt là 76.978 cơ sở, trong đó có 34.839 cơ sở nhà, đất thuộc trung ương quản lý, 42.139 cơ sở nhà, đất thuộc địa phương quản lý.

Chưa thống nhất quan điểm giải quyết

Liên quan đến tình trạng trên, theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Mai Công Quyền, là do việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất, ngoài quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công còn có quy định của nhiều pháp luật chuyên ngành (về đất đai, nhà ở, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...). Vì vậy, trong quá trình triển khai còn có nhiều quan điểm khác nhau, phải trao đổi, thảo luận và xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan để thống nhất, bảo đảm thận trọng, hiệu quả, đúng quy định.

Trong khi đó, việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất theo quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa được quan tâm. Đến nay, còn đơn vị chưa đo đạc, chưa đáp ứng thông tin quy hoạch và gửi hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị.

Đối với các cơ sở nhà, đất do trung ương quản lý trên địa bàn thành phố, tiến độ chuyển giao trụ sở về địa phương sau khi đã di chuyển về trụ sở mới diễn ra chậm, chủ yếu chỉ là trụ sở nhỏ lẻ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho hay, bên cạnh quy mô sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã lớn, số lượng các trụ sở làm việc dôi dư phải sắp xếp nhiều; thì việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của các cơ quan, đơn vị hành chính, phụ thuộc vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do việc sắp xếp đơn vị hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương và các đơn vị hành chính của cơ quan trung ương đóng trên địa bàn được làm đồng thời, nên khả năng điều chuyển trụ sở cho các đơn vị khác hầu như không thực hiện được. Muốn bán, chuyển nhượng hoặc thu hồi thì phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết, mà việc này cần có thời gian.

Thêm nữa, các cơ sở nhà, đất dôi dư chưa xử lý được phần lớn nằm ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nhiều đơn vị còn thiếu trụ sở nhưng không nằm cùng địa bàn nên cũng không điều chuyển để sử dụng, còn ngay tại địa bàn sắp xếp thì không có đơn vị có nhu cầu tiếp nhận. Chưa kể, thời gian vừa qua thị trường bất động sản trầm lắng, việc bán, chuyển nhượng gặp nhiều khó khăn do ít có nhà đầu tư quan tâm.

Nguyên nhân khác là việc xác định giá đất, giá tài sản còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt về phương pháp định giá và thuê các doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá đất, giá trị tài sản; hồ sơ nhà, đất không đầy đủ, lịch sử quản lý, sử dụng phức tạp, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất liên quan đến nhiều quy định pháp luật, do nhiều cơ quan cùng thực hiện.

Đáng nói, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất và của các cơ quan quản lý chưa cao. Thực tế cũng cho thấy, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công qua thực hiện còn phát sinh một số vướng mắc. Chẳng hạn, một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có quy định hướng dẫn cụ thể làm cơ sở thực hiện, như: Trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; thẩm quyền quyết định bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đơn vị có chức năng quản lý vận hành tài sản công; khai thác tài sản công sau thu hồi...

Ngoài ra, quy định trình tự, thủ tục xử lý tài sản công hiện hành chưa phù hợp, chẳng hạn như việc xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể. Theo quy trình, cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản đề xuất, lập hồ sơ đề nghị xử lý, song không ít trường hợp cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản công không còn tồn tại do đã bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể.

Đáng chú ý, việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo các tiêu chí như quy định hiện hành gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở để đánh giá, chấm điểm đối với từng tiêu chí. Hơn nữa, trong thực tế có một số trường hợp trong quá trình liên doanh, liên kết, vì lý do bất khả kháng, không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn. Trong khi hiện không có quy định cụ thể cho trường hợp này, dẫn đến lúng túng trong xử lý.

(Còn nữa)

Theo HNM
Bình luận
Back To Top