Để tài sản công không lãng phí: Cách tiếp cận mới từ cơ chế, chính sách (4)

Bài 4: Hà Nội quyết tâm tạo đột phá

09:14 - Thứ Hai, 11/12/2023 Lượt xem: 4369 In bài viết

Đối với Hà Nội, năm 2023 là dấu mốc quan trọng sau thời gian dài thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, thành phố đã hoàn thiện, phê duyệt và triển khai Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”. Đề án được đánh giá cao, thể hiện quyết tâm tạo bước đột phá, hướng tới quản lý một cách bài bàn các nhóm tài sản công.

Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố” tại Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. 

Nhận rõ thực trạng quản lý, sử dụng

Tháng 3-2023, Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030” chính thức được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, đã nêu rõ thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố gồm 4 nhóm: Nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng và tài sản khác.

Theo Sở Tài chính Hà Nội, công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố đã dần đi vào nền nếp. Các loại tài sản công cơ bản được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Việc thanh tra, kiểm tra được tăng cường chỉ đạo; qua thanh kiểm tra đã phát hiện các hành vi sai phạm để uốn nắn, chấn chỉnh và kịp thời xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ở mỗi lĩnh vực đều tồn tại những hạn chế, bất cập. Trong năm 2022, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát chuyên đề và chất vấn việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố Hà Nội. Qua giám sát và chất vấn, nhiều bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công của thành phố thời gian qua đã được chỉ ra, khiến tài sản công chưa phát huy được hiệu quả là nguồn lực cho sự phát triển.

Cụ thể, những số liệu được đưa ra trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố khóa XVI (tháng 7-2022) cho thấy, trong tổng số 803 nhà chuyên dùng có 357 địa điểm vi phạm, như cho thuê lại, liên doanh, liên kết, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Tại 199 tòa nhà chung cư tái định cư, với tổng diện tích quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tầng một thành phố đang quản lý là hơn 85.000m2, thì có hơn 35.000m2. còn trống chưa bố trí thuê sử dụng, hoặc sử dụng trái phép, sai mục đích, chiếm tỷ lệ 41%. Không ít địa điểm nhà đất có vị trí, lợi thế thương mại giá trị cao chưa đưa vào khai thác sử dụng...

Về đất đai, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 9 dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất đã có quyết định thu hồi đất hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất do vi phạm pháp luật về đất đai với tổng diện tích khoảng 337,1ha. Tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công và xây dựng công trình trái phép còn diễn ra ở một số địa phương, chưa được xử lý dứt điểm. Phần lớn các khu đất UBND thành phố thu hồi, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý hiện đang để trống, chưa đưa vào sử dụng.

Việc giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng như hệ thống đèn tín hiệu giao thông, cấp nước sạch nông thôn, hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị
sử dụng chung còn chồng chéo, dẫn đến vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác. Loại tài sản này chủ yếu theo dõi về mặt hiện vật, khối lượng, chỉ có một số ít tài sản, chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước quản lý, được hạch toán về giá trị và tính hao mòn.

Ngoài ra, với các loại tài sản khác, UBND thành phố cũng đã nhìn nhận thẳng thắn về một số bất cập như công tác quản lý rừng gặp khó khăn, đặc biệt trong trường hợp có hộ dân sinh sống, định cư lâu năm. Vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép lén lút, chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa theo tiêu chuẩn, định mức được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà phụ thuộc vào khả năng nguồn kinh phí của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiến độ mua sắm tập trung tài sản công còn chậm. Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô gặp bất lợi về tính chủ động, kịp thời trong trường hợp cần thiết, cấp bách, chưa tạo động lực khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai hiệu quả.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu đánh giá, Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030” là đề án khung quan trọng, có tính chất định hướng, phạm vi bao quát rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trên địa bàn. Đặc biệt, Đề án nêu 4 nhóm giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác từng nhóm tài sản công của thành phố.

Đáng chú ý, đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước được giao các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ từng bước áp dụng các hình thức “đấu giá cho thuê” thay cho hình thức “cho thuê chỉ định” nhằm bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch theo diễn biến thị trường. Đối với ô tô và tài sản khác, thành phố rà soát, ban hành đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng theo quy định của trung ương, khuyến khích thực hiện khoán kinh phí sử dụng tài sản công.

Trên cơ sở Đề án được HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 26-5-2023 với 9 nhóm giải pháp và 65 nhiệm vụ (gồm 27 nhiệm vụ có thời hạn và 38 nhiệm vụ thường xuyên); phân công trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã… triển khai trọng tâm 4 đề án thành phần, trong đó tập trung vào 2 nhóm tài sản có quy mô và giá trị lớn của thành phố là nhà và đất đai.

UBND thành phố thể hiện quyết tâm chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định. 100% tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án. Thành phố cũng xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác.

Thực tế, trước khi Đề án được triển khai, Hà Nội đã đẩy mạnh quản lý, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm liên quan tài sản công, đặc biệt là sử dụng nhà, đất công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn. Điển hình, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cùng liên ngành Sở Tài chính, Cục Thuế, UBND các quận có nhà chuyên dùng kiểm tra công tác quản lý, thống nhất phương án xử lý thu hồi đối với 7 địa điểm nhà chuyên dùng có vướng mắc, vi phạm nổi cộm tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Ba Đình.

Đối với công tác thu hồi diện tích kinh doanh dịch vụ vi phạm, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi 10 điểm với diện tích 3.992,69m2. Sau khi hoàn thành thu hồi, Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đưa vào kế hoạch đấu giá năm 2023 đối với các diện tích trên…

Sau thời gian dài thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, việc tiếp tục hoàn thiện và triển khai Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030” trong năm 2023 cho thấy, Hà Nội đặt quyết tâm cao hơn, tạo bước đột phá, hướng tới quản lý một cách bài bàn cho các nhóm tài sản công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

(Còn nữa)

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top