Sẵn sàng tiếp nhận dòng vốn đầu tư ngành bán dẫn

09:43 - Thứ Ba, 19/12/2023 Lượt xem: 4599 In bài viết

Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến hấp dẫn để phát triển lĩnh vực này. Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Nhiều nhà đầu tư tìm thấy cơ hội

 Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), doanh số của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đây là thuận lợi rất lớn về mặt thị trường đối với các quốc gia có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Gần đây, nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới đã đến và mong muốn đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Giới thiệu máy móc tại Triển lãm quốc tế về công nghệ, nguyên phụ liệu, thiết bị và máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam.

Ngày 7-12, nhiều doanh nghiệp của SIA-hiệp hội quy tụ mạng lưới các doanh nghiệp thành viên chiếm 99% doanh thu ngành bán dẫn Hoa Kỳ-đã có mặt tại Việt Nam để thảo luận về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ông John Neuffer, Chủ tịch SIA cho biết: "Nhiều khoản đầu tư đã được các thành viên SIA như: Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon... thực hiện tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. SIA nhận thấy những cơ hội lớn để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”.

Ngay sau đó, ngày 11-12, Tập đoàn NVIDIA-tập đoàn công nghệ đa quốc gia, có doanh thu đạt gần 27 tỷ USD cũng tới Việt Nam nhằm hiện thực hóa các cơ hội đầu tư về chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Với cơn sốt AI toàn cầu, NVIDIA đang tăng kế hoạch sản xuất chip AI cho năm 2024 lên hơn 3 lần và doanh thu của tập đoàn dự kiến còn tăng rất nhiều trong thời gian tới. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA, ông Jensen Huang, đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Ông Jensen Huang nêu rõ: "AI và chip-cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của Việt Nam trong phát triển lĩnh vực này".

Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư cũng đã công bố chọn Việt Nam làm điểm đến xây dựng các dự án sản xuất chất bán dẫn. Điển hình, Tập đoàn A1 Group-TaiZhan (Đài Loan, Trung Quốc) vừa ký kết đầu tư dự án nhà máy sản xuất tại Cụm công nghiệp Văn Phong, huyện Nho Quan (Ninh Bình) với tổng mức đầu tư lên đến 47,1 triệu USD. Trước đó, vào tháng 6, Tập đoàn N&G của Việt Nam và Tập đoàn SEIN I&D của Hàn Quốc đã thỏa thuận sẽ cùng với các đối tác lớn của Hàn Quốc và quốc tế hợp tác phát triển dự án chip bán dẫn tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.

Sẵn sàng đón nhà đầu tư

 Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội và có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ rất quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam. Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao... Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện như hạ tầng cơ sở, hạ tầng mềm, nguồn nhân lực, hệ sinh thái doanh nghiệp... để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay: Bắc Ninh xác định lĩnh vực bán dẫn là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài. Trong lĩnh vực bán dẫn, khu công nghiệp Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao. Với TP Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh: Đối với ngành vi mạch bán dẫn, thành phố có hệ sinh thái tương đối liền mạch, sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, có văn hóa về đổi mới sáng tạo. Thành phố đã có trung tâm đào tạo bán dẫn với Synosys-công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử và IP bán dẫn của Hoa Kỳ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

Chia sẻ về giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: "Việt Nam có nguồn nhân lực rất dồi dào, số lượng sinh viên theo học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) chiếm 1/3 và tăng khoảng 10% trong 3 năm qua. Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn; khoảng 200.000 sinh viên đang theo học tại nước ngoài. Ngành giáo dục Việt Nam rất mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài trong xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên đến thực tập, hỗ trợ các trường đại học xây dựng phòng thí nghiệm. 

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top