Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi tạo sự bình đẳng giữa người mua và bán

09:31 - Thứ Ba, 26/12/2023 Lượt xem: 4425 In bài viết

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng, với những điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ tháo gỡ nhiều bất cập, vướng mắc hiện nay, đồng thời hài hòa lợi ích các bên trong hoạt động kinh doanh BĐS như cho vay đặt cọc, kéo dài Thông tư 02...

Ông Nguyễn Quốc Hùng Phó Chủ tịch VNBA.

Quy định mới hài hòa lợi ích các bên

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV có một số điểm mới như quy định thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh; đồng thời, giảm tỷ lệ thanh toán khi thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai xuống còn 50% thay vì 70% như hiện nay.

Tán thành với nội dung trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: Việc quy định thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh nhằm, bảo đảm tính chất của việc đặt cọc (không vì mục đích huy động vốn), có giá trị đủ lớn để cả bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc cùng có ý thức tuân thủ và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng đối với những người mua nhà.

Đối với quy định giảm tỷ lệ thanh toán khi thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai xuống còn 50% thay vì 70% như trước đây, một mặt giúp bảo đảm an toàn, phòng tránh rủi ro cho người thuê mua nhà hình thành trong tương lai nhưng đồng thời cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, phải làm sao để hoàn thành sản phẩm đúng thời hạn bàn giao cho người thuê, mua nhà.

"Với những điểm mới quyền lợi của người mua nhà hình thành trong tương lai và cả người mua nhà đã hoàn thiện sẽ được bảo vệ; còn với các chủ đầu tư, trách nhiệm của họ là phải thực hiện theo đúng cam kết, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Có như vậy mới tạo được sự bình đẳng giữa người mua và người bán", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Về vấn đề đặt cọc, chia sẻ kinh nghiệm công tác nhiều năm trong ngành ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: Không nên cho vay chỉ để mục đích đặt cọc. Trường hợp đặc biệt, xét cả phương án tổng thể thì có thể thỏa thuận với khách hàng cho vay đặt cọc trong thời gian bảo đảm giao kết, song số tiền đó phải để tại tài khoản tiền gửi của khách hàng hoặc người bán nhưng không dược sử dụng, chỉ được sử dụng khi thực hiện giao kết hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc đó được tính vào số tiền vay để mua nhà theo đúng phương án tổng thể khi đề xuất vay vốn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vay vốn đúng mục đích, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích: Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp tổ chức phát hành sử dụng vốn phát hành đúng mục đích đều có khả năng trả nợ trái phiếu đúng hạn, trường hợp có khó khăn sẽ được nhà đầu tư chia sẻ. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không đưa vào sử dụng đúng mục đích mà không ai kiểm soát, dẫn đến sử dụng vốn không vào đúng dự án, phương án khi phát hành dẫn tới không trả được tiền trái phiếu khi đến hạn. Vụ việc của Tân Hoàng Minh là một ví dụ điển hình. Do đó, việc đề nghị bỏ quy định về việc "kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích" là trái quy định pháp luật và trái với thông lệ quốc tế.

Hỗ trợ đi đôi với tái cơ cấu thị trường

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ xem xét kéo dài Thông tư 02 về giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đánh giá tác động, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: Hệ quả từ đại dịch COVID-19 và tình hình địa chính trị thế giới bất ổn khiến toàn nền kinh tế đang rất khó khăn, tất cả các lĩnh vực đều đang đứng trước những thách thức lớn. Việc chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Thông tư 02 về giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ được ban hành nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sắp hết hạn, việc gia hạn cần được đưa ra xem xét một cách nghiêm túc.

"Tôi rất đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không hạ chuẩn cho vay nhưng trong bối cảnh "không bình thường", rất cần những "giải pháp không bình thường". Việc Ngân hàng Nhà nước giữ vững quan điểm không hạ chuẩn tín dụng là chính xác, đồng thời đã ban hành các chính sách tôi cho là "giải pháp không bình thường" trong bối cảnh doanh nghiệp hết sức khó khăn (hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại) đó là các thông tư: Thông tư 02 (lần thứ 3) Thông tư 03/2023/TT-NHNN, Thông tư 06/2023/TT-NHNN,…", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

NHNN nên kéo dài Thông tư 02 thêm một thời gian khoảng 1 năm nữa, nếu được thì nhiều doanh nghiệp có khả năng phục hồi có cơ hội để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nếu kéo dài Thông tư 02 thì cần xem xét, đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng: doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ, không chỉ giãn hoãn nợ mà có thể cho vay mới. Song chỉ có vậy thì chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ của các cấp các ngành thì mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; còn trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, năng lực tài chính yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, phần thiếu hụt xử lý quĩ dự phòng rủi ro của TCTD.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội ngân hàng thừa nhận: Yêu cầu nới lỏng là thách thức rất lớn trong bối cảnh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chưa xong, xử lý sở hữu chéo chưa dứt điểm, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng đang đối diện tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng cao. Vì vậy, nới lỏng chính sách cần phải cân nhắc thật kỹ nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi hàng triệu người dân đang gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

"Tôi cho rằng, đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, không thể để các doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi làm gánh nặng cho nền kinh tế. Ngoài ra, đã đến lúc cần nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản, để làm sao những doanh nghiệp (kể cả các ngân hàng thương mại) không thể phục hồi được thì cần phải bắt buộc xử lý theo Luật Phá sản", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Vừa qua, tại Công điện số 1376/CĐ-TTg vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định, những giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là rất đúng và trúng đối với thị trường bất động sản nói chung, nhà ở xã hội nói riêng.

Đại diện Hiệp hội ngân hàng cho rằng, cần đánh giá ở nhiều góc độ, phân loại nhà ở theo hình thức cho thuê đối với người không có khả năng mua và hình thức xây nhà để bán cho người có thu nhập thấp, nguồn thu ổn định, tiếp cận được vốn vay mua nhà.

Không nên để các doanh nghiệp bất động sản nào cũng đăng ký làm nhà ở thu nhập thấp, mà phải lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính triển khai, không nên để nhà đầu tư đang gặp khó với các món nợ ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng mà vẫn đăng ký làm nhà ở xã hội để đi vay vốn, rồi lại gặp vướng mắc khi triển khai.

Để chủ trương đúng đắn đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, dành nguồn lực tại địa phương để giải phóng đất sạch giao cho nhà đầu tư thực hiện (có thể mở thầu chọn nhà đầu tư). Với cách làm như vậy, chắc chắn nhà đầu tư trúng thầu sẽ được các ngân hàng đón nhận cho vay với lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", thì Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Việc quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư sẽ do đơn vị quản lý dự án trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

"Với những quy định như vậy, tôi cho rằng, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội sẽ rất hiệu quả, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước sẽ được sử dụng đúng mục đích, người nghèo và người thu nhập thấp sẽ có nhà ở. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội như đúng mục tiêu Chính phủ đặt ra", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Theo Chinhphu
Bình luận

Tin khác

Back To Top