Ứng dụng công nghệ canh tác cà phê tại Mường Ảng

10:10 - Thứ Tư, 27/12/2023 Lượt xem: 6647 In bài viết

ĐBP - Năm 2022, huyện Mường Ảng phối hợp với tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ); Cục Trồng trọt và Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) triển khai dự án CRAS “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các nhóm nghèo sản xuất cà phê tại Mường Ảng và Tuần Giáo”. Sau 2 năm triển khai, dự án bước đầu cho thấy sự hiệu quả, khắc phục triệt để các hạn chế trong canh tác cà phê tại 2 địa phương này.

Hiện nay, huyện Mường Ảng có tổng diện tích cà phê đang chăm sóc và thu hoạch là 2.193ha. Diện tích vùng lõi khoảng 1.000ha tại xã Ẳng Nưa và thị trấn Mường Ảng; hơn 600ha tại Ẳng Tở, Ẳng Cang và 500ha trồng tại các xã: Mường Lạn, Nặm Lịch, Ngối Cáy, Mường Đăng. Trong đó, nhiều diện tích cà phê đã trên 20 năm tuổi cần phải tái canh trồng mới.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, canh tác cà phê tại Mường Ảng đang có một số hạn chế khiến năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa cao. Cụ thể: Người dân canh tác cà phê trên đất dốc đất bị xói mòn rửa trôi hàng năm, đặc biệt gia tăng ở vùng đất không quy hoạch trồng cà phê; thiếu biện pháp bảo vệ đất; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, nhiều diện tích cà phê đã già cỗi, thoái hóa; suất đầu tư thấp và không trồng cây đai rừng chắn gió lâu dài, cây che bóng.

Dự án CRAS cung cấp giải pháp kỹ thuật giải quyết các hạn chế trong canh tác cà phê ở Mường Ảng. Dự án xây dựng 2 mô hình trình diễn ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào canh tác cà phê tại xã Ẳng Cang với quy mô 5ha/mô hình: Cà phê sản xuất kinh doanh <15 tuổi (bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang) và cà phê già, cuối chu kỳ sản xuất kinh doanh >15 tuổi (bản Hua Nguống).

Dự án CRAS hỗ trợ các loại cây đa dụng như Macca, trám đen có tác dụng che bóng và tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Các mô hình được xây dựng thiết kế cảnh quan; trồng cây đai rừng chắn gió, tăng cường khả năng giữ nước; trồng các loại cây đa dụng như macca, trám đen có tác dụng che bóng và tăng thêm thu nhập cho nông dân. Đồng thời, tăng cường sử dụng phân hữu cơ; sử dụng vôi cải tạo đất, diệt mầm bệnh trong đất; xử lí nấm bệnh trong đất thông qua sử dụng các chế phẩm EM (trichodemar…) tiêu diệt nấm tuyến trùng trong đất, phân giải nhanh hữu cơ trong đất giúp cây trồng có thể hấp thụ. Đối với diện tích cà phê cuối chu kỳ, dự án thực hiện cải tạo vườn cà phê bằng cách cưa đốn và ghép cải tạo giống cà phê lai TN1 và TN2 cho năng suất cao; đối với phần già cỗi không thể ghép cải tạo đã tiến hành trồng mới 0,8ha giống THA1.

Hộ gia đình ông Cà Văn Bi, bản Hua Nguống (xã Ẳng Cang) trồng cà phê từ năm 2010. Đến nay, tổng diện tích cà phê của gia đình gần 3ha đều là cà phê kinh doanh.

Ông Cà Văn Bi cho biết: Một số diện tích cà phê trồng từ đầu năm 2010 đã có dấu hiệu thoái hóa, năng suất, sản lượng giảm qua các năm. Tôi đang muốn triển khai tái canh đối với diện tích này. Khi  dự án CRAS triển khai trên địa bàn xã, tôi đã đăng ký tham gia. Theo đó, tôi đã thực hiện cưa đốn và ghép cải tạo giống cà phê lai TN1 và TN2 với diện tích 1.500m2 và trồng mới thử nghiệm 1.500m2 giống THA1. Sau gần 1 năm triển khai, đến nay diện tích cà phê trồng mới sinh trưởng phát triển rất tốt, tỷ lệ sống trên 90%; diện tích ghép cải tạo giống cũng phát triển tốt, tỷ lệ mắt ghép thành công trên 85%. Thời gian tới, tôi sẽ áp dụng những kiến thức thực tế học được qua dự án để từng bước triển khai tái canh vườn cà phê theo 2 phương án này.

Ông Cà Văn Bi kiểm tra các mắt ghép cải tạo giống cà phê lai TN1 và TN2.

Hiện nay, phần lớn diện tích cà phê Mường Ảng đang sử dụng loại giống Catimorđã sử dụng nhiều năm, bộc lộc nhiều hạn chế về sản lượng, chất lượng. Dự án CRAS triển khai hỗ trợ các địa phương quản lý giống tốt hơn so với giống hiện hữu. Theo đó, dự án hỗ trợ 1 HTX xây dựng vườn ươm và sản xuất cà phê theo đúng tiêu chuẩn, sử dụng giống cà phê mới sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng tốt. Quy mô vườn ươm 100.000 cây giống/năm; xây dựng các vườn giống tiềm năng: 2ha giống cà phê Stamaya nhập nội và 2ha giống THA1 tại xã Ẳng Nưa. Đồng thời, thiết lập các vườn nhân chồi giống TN1 và TN2 quy mô 1ha phục vụ cung cấp nguồn giống.

Ông Nguyễn Văn Tâm, HTX Cây ăn quả sạch Mường Ảng cho biết: Dự án hỗ trợ khung sắt, nhà lưới với diện tích 2.000m2. Trong 2 năm liên tục dự án hỗ trợ vật tư, giống cà phê THA1 với quy mô 10 vạn cây giống/vườn/năm. Vụ trồng cây năm 2022, vườn ươm đã xuất 100% cây giống cho các hộ trồng cà phê trên địa bàn. Qua phản hồi của người dân, diện tích trồng mới đạt tỷ lệ sống cao, cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt.

Cán bộ dự án CRAS kiểm tra cây giống tại vườn ươm của HTX Cây ăn quả sạch Mường Ảng.

Đánh giá về kết quả dự án CRAS, ông Trần Quang Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Tái canh cây cà phê hiện đang là nhu cầu cấp thiết của huyện Mường Ảng. Tuy nhiên, các hộ trồng cà phê chưa có kỹ thuật để thực hiện việc tái canh. Do đó, triển khai dự án CRAS là cơ hội để người trồng cà phê có thêm kiến thức, kỹ thuật thực hiện việc tái canh. Dự án cung cấp kỹ thuật từ khâu trồng mới, ghép cải tạo, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ cho hơn 250 hộ dân trồng cà phê trên địa bàn. Nhiều hộ dân đã tiến hành tái canh cà phê theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn thực hiện dự án. Diện tích cà phê tái canh sinh trưởng phát triển tốt.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top