Nâng cao năng lực canh tác cà phê bền vững

09:15 - Thứ Năm, 28/12/2023 Lượt xem: 5249 In bài viết

ĐBP - Tái canh cây cà phê là nhu cầu cấp thiết của huyện Mường Ảng và Tuần Giáo. Tuy nhiên, người trồng cà phê chưa nắm được kỹ thuật tái canh, trong khi trình độ canh tác còn nhiều hạn chế, chưa đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê chưa cao. Dự án CRAS đã cung cấp các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn và người dân, góp phần điều chỉnh, khắc phục hạn chế trong chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê.

Dự án CRAS mở 2 lớp tập huấn TOT (20 người/lớp) nâng cao năng lực cho 40 cán bộ chuyên môn, kỹ thuật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng và Tuần Giáo. Học viên được phổ biến kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và kỹ năng khuyến nông, thương thảo hợp đồng.

Anh Nguyễn Thái Ngọc, cán bộ Trung tâm Khuyến nông giống cây trồng vật nuôi tỉnh Điện Biên cho biết: Tham gia lớp tập huấn TOT, tôi biết thêm được nhiều kiến thức về canh tác cà phê, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tái canh cây cà phê gắn với ứng phó tác động của biến đổi khí hậu. Hoạt động nâng cao năng lực của dự án CRAS còn mở rộng kiến thức về chuỗi giá trị, thương thảo các hợp đồng trong chuỗi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ dự án CRAS tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho nông dân xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng.

Song song với các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên môn, dự án CRAS cũng tổ chức 10 lớp tập huấn TOF về kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho 320 người trồng cà phê huyện Mường Ảng và 80 người tại huyện Tuần Giáo. Các lớp tập huấn được chia thành 4 đợt, mỗi đợt một nội dung khác nhau, gồm: Kỹ thuật trồng cà phê chè bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lí sâu bệnh hại tổng hợp IPM và quản lí dinh dưỡng cho cây cà phê chè; kỹ thuật thu hoạch, chế biến, bảo quản cà phê; kỹ năng thương thảo hợp đồng; cải tạo vườn cà phê và kỹ thuật tái canh cà phê.

Cán bộ, nông dân tỉnh Điện Biên tham quan, học tập kinh nghiệm và trao đổi kiến thức, chính sách sản xuất cà phê bền vững tại Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Nhằm bổ sung kiến thức thực tế, dự án CRAS đã tổ chức cho 23 cán bộ, nông dân tỉnh Điện Biên tham quan, học tập kinh nghiệm và trao đổi kiến thức cũng như tìm hiểu các cơ chế chính sách trong sản xuất cà phê bền vững tại tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Gia đình ông Lò Văn Đưa, bản Tin Tốc, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) bắt đầu canh tác cà phê từ năm 2007 (0,5ha); năm 2009 (0,5ha) và năm 2011 trồng 0,5ha. Hiện nay, diện tích cà phê trồng năm 2007 và 2009 đã có dấu hiệu thoái hóa. Cây cà phê hay bị sâu bệnh, giảm năng suất và sản lượng. Với nhu cầu tái canh diện tích cà phê được trồng từ năm 2007 – 2009, ông Đưa đã đăng ký tham gia các hoạt động nâng cao năng lực cho nông dân thuộc dự án CRAS.

Ông Lò Văn Đưa cho biết: Tôi tham gia đầy đủ 4 đợt tập huấn do dự án CRAS tổ chức tại xã Ẳng Nưa. Kết thúc khóa học, tôi hiểu chi tiết về quy trình trồng, chăm sóc cây cà phê chè. Trước đây, tôi trồng cà phê với mật độ quá dày, 1 gốc để 3 thân cây cà phê cùng phát triển. Sau lớp tập huấn, tôi biết được chỉ nên để 1 – 2 thân cây/gốc thì cây cà phê mới phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao. Bên cạnh đó, tôi hiểu hơn về quy trình bón phân đảm bảo đúng thời điểm và liều lượng; kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê; trồng cây che bóng chống biến đổi khí hậu cho cà phê.

Cũng tham gia dự án CRAS, ông Lò Văn Bình, bản Tin Tốc, xã Ẳng Nưa chia sẻ: Hoạt động nâng cao năng lực của dự án CRAS rất thiết thực và bổ ích. Sau khóa tập huấn, tôi ứng dụng kiến thức được học để chăm sóc diện tích cây cà phê của gia đình. Đồng thời tìm tòi, học hỏi thêm để từng bước thực hiện cải tạo, tái canh cây cà phê.

Ông Nguyễn Văn Tâm, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa kiểm tra tốc độ sinh trưởng, phát triển vườn cà phê sau khi thực hiện tái canh, trồng mới.

Ông Nguyễn Văn Tâm, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa cho biết: Trong chuyến đi thực tế, chúng tôi tận mắt chứng kiến những mô hình sản xuất cà phê thành công tại tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Học hỏi thêm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê từ nông dân các tỉnh. Đặc biệt là việc đưa các loại giống cà phê chất lượng cao vào sản xuất; triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Từ kiến thức tiếp thu được, tôi đã liên hệ vườn ươm của HTX Cây ăn quả sạch Mường Ảng mua cây giống THA1 để tái canh - trồng mới hơn 2ha cà phê đã già cỗi, thoái hóa. Đồng thời trồng thêm các cây che bóng đa mục đích như mắc ca, cây trám đen vào các vườn cà phê. Sau 5 tháng triển khai, đến nay, vườn cà phê trồng mới đang sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top