Góc nhìn – Tiêu điểm

Hậu kiểm sản phẩm OCOP

09:08 - Thứ Năm, 04/01/2024 Lượt xem: 4862 In bài viết

ĐBP - Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 56 sản phẩm nông sản được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (có 4 sản phẩm 4 sao, các sản phẩm còn lại 3 sao). Tuy nhiên, theo thời gian, việc xây dựng sản phẩm OCOP đã dần bộc lộ những điểm yếu. Một số địa phương xây dựng theo kiểu phong trào, nhiều sản phẩm dù được công nhận nhưng chưa tiếp cận được người tiêu dùng. Có sản phẩm tụt hạng, bị người tiêu dùng lãng quên, thậm chí có sản phẩm biến mất khỏi thị trường.

Với các sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP thì việc hậu kiểm là khâu then chốt. Bởi thực tế trên địa bàn tỉnh, nhiều chủ thể sau khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP thì không giữ vững được “phong độ”, tự hài lòng với kết quả đạt được mà không có sự bứt phá, đổi mới để theo kịp xu hướng thị trường, chất lượng và giá trị sản phẩm sụt giảm, làm mất lợi thế cạnh tranh. Cũng có trường hợp chủ thể sản xuất sau khi có sản phẩm được công nhận thương hiệu OCOP thì ghi thêm thông tin về thành phần, công dụng… trên bao bì nhãn mác của sản phẩm (khác với hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP ban đầu) để thu hút khách hàng. Có sản phẩm sau khi được công nhận và “chấm sao” xong thì không sản xuất nữa hoặc một số sản phẩm sản xuất cầm chừng và khó tiêu thụ.

Việc hậu kiểm các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa được chú trọng, dẫn đến nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đến nay chưa phát huy giá trị. Như sản phẩm OCOP đạt 3 sao “Cực Tây Hà Nhì trà” của huyện Mường Nhé, sau khi được công nhận, việc phát triển sản phẩm này gặp khó một phần cũng do trình độ, năng lực của các chủ thể còn hạn chế. Hầu hết các hộ sản xuất trên địa bàn huyện nhỏ lẻ, manh mún. Vùng nguyên liệu hạn chế, chủ yếu chỉ có trên địa bàn xã Sín Thầu, Leng Su Sìn… Chủ thể chưa thực sự quan tâm đến hình thức của sản phẩm. Kiểu dáng, nhãn mác chưa được chú trọng; thậm chí các yêu cầu về chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc còn chưa đảm bảo… dẫn đến sản phẩm khó phát triển và lan tỏa rộng rãi trên thị trường.

Việc siết chặt khâu theo dõi, kiểm tra, giám sát sau khi sản phẩm được công nhận đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như uy tín, thương hiệu của đơn vị được cấp chứng nhận OCOP. Bởi thông qua công tác hậu kiểm sẽ giúp các chủ thể OCOP khắc phục những hạn chế trong việc tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định khác có liên quan đến tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm. Qua đó, bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP và các chủ thể để người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và sử dụng sản phẩm OCOP.

Số lượng sản phẩm OCOP tăng lên từng năm, các địa phương cần bố trí nguồn lực hợp lý cho việc hậu kiểm để kiểm soát đối với các chủ thể có sản phẩm đã được gắn sao OCOP nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm so với hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng. Kịp thời phát hiện sai sót, giúp chủ thể khắc phục tồn tại, hạn chế để hoàn thiện sản phẩm; đồng thời kiên quyết xử lý đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh không đáp ứng được các tiêu chuẩn, vi phạm quy định chương trình OCOP. Từ đó nâng cao tinh thần tự giác, chủ động chấp hành các quy định khi tham gia sân chơi OCOP của các chủ thể sản xuất.

Bên cạnh khâu hậu kiểm tra thì trong quá trình triển khai chương trình OCOP, tuyệt đối không được “xuê xoa” làm theo phong trào, mà phải gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế, văn hóa, con người của mỗi địa phương, vùng miền. Cũng cần tránh “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP. Các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ và có ngay các giải pháp nhằm phát huy mục đích chuyển dần từ “lượng” sang “chất”, nâng cao thu nhập cho người dân.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top