ĐBP - Năm 2018, thôn Phai Tung, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) được Ủy Ban MTTQ huyện Tủa Chùa lựa chọn thực hiện mô hình “Di dời chuồng trại gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ở”. Đến nay 100% hộ dân thôn Phai Tung đã thay đổi nhận thức, tự giác di dời chuồng trại gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ra xa nơi ở. Qua đó, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường sống, sức khỏe con người đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển đàn gia súc.
Thôn Phai Tung có 96 hộ dân, với 443 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái. Đời sống người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp làm lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hầu hết các hộ dân đều chăn nuôi, nhà ít nuôi 5 - 7 con trâu, bò, nhà nhiều hàng chục con (chưa bao gồm gia cầm). Việc xây dựng chuồng nuôi gia súc, gia cầm ngay dưới gầm sàn nhà hoặc sát nhà ở của người dân từng là thói quen của người dân Phai Tung trong nhiều đời. Việc làm này không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.
Ông Điêu Chính Thân, trưởng thôn Phai Tung, xã Mường Báng chia sẻ: Từ nhiều năm trước, Phai Tung có phong trào phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, do tập quán truyền thống, người dân chưa chú trọng chuồng trại, thường nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà ở gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hạn chế sự phát triển của đàn gia súc… Thế nhưng, đó là câu chuyện của vài năm trở về trước. Bây giờ nhận thức của người dân Phai Tung về chăn nuôi gia súc, gia cầm đã khác. Bà con không còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà.
Sự thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân thôn Phai Tung bắt đầu từ năm 2018, thông qua mô hình “Di dời chuồng trại gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ở” do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tủa Chùa phối hợp với xã Mường Báng triển khai thực hiện. Cách thức thực hiện mô hình chủ yếu thông qua công tác tuyên truyền, vận động bà con làm chuồng trại ra xa khu vực nhà ở và di dời gia súc, gia cầm nuôi nhốt dưới gầm sàn đến các chuồng trại mới làm. Đặc biệt, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trưởng thôn… để người dân noi theo.
Thời gian đầu việc vận động người dân di dời chuồng gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở gặp nhiều khó khăn do nhận thức hạn chế của người dân; một số hộ lại thiếu mặt bằng, thiếu vốn, vật liệu, không muốn di dời. Trước thực tế trên, hàng năm Ủy ban MTTQ huyện đưa ra chỉ tiêu di dời cụ thể (số hộ di dời), tranh thủ sự ủng hộ của những người uy tín, trưởng thôn để tuyên truyền, giải thích người dân hiểu tác hại của việc nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà ở; vận động người dân ký cam kết di dời.
Xã Mường Báng đã xây dựng kế hoạch phân công các tổ chức, đoàn thể của xã trực tiếp xuống thôn; một mặt tuyên truyền vận động nhân dân di chuyển chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, một mặt thành lập đoàn khảo sát các hộ gia đình có gia súc nhốt dưới gầm sàn nhà do thiếu quỹ đất di dời, thiếu kinh phí, nhân công... để có biện pháp giải quyết. Đặc biệt, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước trong việc thực hiện cũng như vận động người thân, họ hàng di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở. Đưa việc di dời chuồng trại chăn nuôi của các hộ gia đình là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa.
Với phương pháp “Mưa dầm thấm lâu” ban đầu chỉ có một vài hộ di chuyển, khi thấy được lợi ích khi di chuyển chuồng nuôi ra xa nhà ở nhiều hộ khác làm theo. Đến năm 2023, thôn Phai Tung có 96/96 hộ đã di dời chuồng gia súc ra xa khu vực nhà ở, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ đó, thôn Phai Tung là một trong những thôn, bản đầu tiên của huyện được công nhận nông thôn mới.
Trước đây gia đình Tòng Văn Thoong làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà, gây mất vệ sinh môi trường, đặc biệt là mùi hôi thối do chất thải của gia súc gia cầm. Sau khi được tuyên truyền vận động, gia đình anh Thoong đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở.
Anh Tòng Văn Thoong cho biết: Gia đình tôi đã di dời chuồng nuôi gia súc ra xa nhà ở hơn 500m. Từ khi làm chuồng ra xa thì mùi hôi thối không còn nữa, cảnh quan nhà cửa sạch đẹp, thông thoáng hơn trước rất nhiều. Nhờ nuôi nhốt riêng nên việc chăm sóc, phòng chống rét, dịch bệnh thuận lợi, trâu bò phát triển tốt hơn; nhà ở cũng sạch sẽ hơn.
Tương tự, ông Điêu Chính Thỉnh không chỉ chủ động di dời đàn gia súc, gia cầm ra xa khu vực nhà ở mà còn tích cực vận động người thân, hàng xóm di chuyển khu vực chăn nuôi ra xa nhà ở. Ông Thỉnh cho biết: Thôn vừa được công nhận nông thôn mới, đồng thời cũng được xã lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy việc di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn nhà là việc làm hết sức cần thiết. Bởi làm du lịch thì trước hết phải sạch sẽ, gọn gàng, không khí trong lành thì khách du lịch mới đến.
Theo bà Vi Thu Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tủa Chùa, đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen nuôi gia súc, gia cầm gần nhà vừa đỡ tốn chi phí làm chuồng, vừa kết hợp bảo vệ vật nuôi. Để thuyết phục được họ, các cấp chính quyền, đoàn thể phải cùng vào cuộc. Việc vận động cũng phải hết sức khéo léo. Những cán bộ thường xuyên tiếp xúc với dân, lắng nghe tâm tư, hoàn cảnh của họ, rồi về báo cáo chính quyền địa phương đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đúng nhất, hợp lòng dân.
Đến nay, Phai Tung là thôn đầu tiên của xã Mường Báng nói riêng và huyện Tủa Chùa nói chung đã hoàn thành việc di dời chuồng trại gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ở. Đây là tiền đề để huyện Tủa Chùa tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, công tác phòng chống dịch bệnh tốt hơn, tạo điều kiện cho người dân phát triển đàn vật nuôi. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết hiện nay là phải bố trí, tạo được quỹ đất để người dân xây dựng chuồng trại hợp lý, đảm bảo khi một số hộ dân thiếu quỹ đất di dời chuồng trại chăn nuôi.