Sự kiện & Bình luận

An ninh lương thực: Nông nghiệp sạch và ám ảnh về cái đói

08:53 - Thứ Năm, 11/01/2024 Lượt xem: 5510 In bài viết

Các báo cáo của những tổ chức quốc tế năm 2023 một lần nữa vẽ lên bức tranh đáng báo động về tình trạng thiếu lương thực ở nhiều nơi trên thế giới nhưng cũng mở ra một lộ trình mới để chúng ta có thể giải quyết tình trạng này.

Thực trạng xấu

“An ninh lương thực toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức và biến đổi phức tạp do sự kết hợp của các yếu tố khác nhau”, theo “Báo cáo toàn cầu về Khủng hoảng lương thực năm 2023" của Liên hợp quốc. Bản báo cáo cho biết, biến đổi khí hậu, những cú sốc kinh tế và xung đột vũ trang là 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu trong năm qua. Theo đó, không chỉ những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, động đất,... mà cả những biến đổi khí hậu làm thay đổi các yếu tố thời tiết nhỏ hơn cũng gây thiệt hại lớn đến năng suất nông nghiệp và làm suy giảm an ninh lương thực.

Ước tính trong năm 2023, 56 triệu người trên thế giới đã bị thiếu lương thực do trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết gây ra. Ở mức độ cao hơn, chỉ có những cú sốc kinh tế và các cuộc xung đột vũ trang bùng nổ trên khắp thế giới là hai nguyên nhân gây tác động tới tình trạng an ninh lương thực của nhiều người hơn với lần lượt số người bị ảnh hưởng là 84 triệu và 117 triệu người. Những cuộc xung đột với những tác động trực tiếp như phá hoại mùa màng hay một cách gián tiếp là phá hủy các tuyến đường vận chuyển, khiến người dân phải sơ tán, ô nhiễm bom mìn,... có thể tác động lâu dài hơn tới khả năng sản xuất nông nghiệp của các khu vực bị ảnh hưởng.

An ninh lương thực vẫn là vấn đề lớn của thế giới.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, có thêm 122 triệu người trên thế giới phải đối mặt với nạn đói kể từ năm 2019 và nếu mọi thứ vẫn diễn ra như hiện tại, mục tiêu chấm dứt nạn đói vào năm 2030 sẽ không thể hoàn thành. Nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt với mất an ninh lương thực trầm trọng như Nam Á, Mỹ Latinh, Tây Á và đặc biệt là châu Phi. Báo cáo ước tính 20% dân số châu Phi vẫn đang phải vật lộn với nạn đói, tỷ lệ cao gấp đôi so với bình quân toàn cầu. Một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức cao nhất trong 5 năm, với hơn 238 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao và xu hướng này có thể tồi tệ hơn. Năm 2023, có gần một tỷ người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và hiện có 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính.

Báo cáo cũng xem xét quá trình đô thị hóa như một yếu tố chính ảnh hưởng đến lương thực. Với gần 7/10 người dự kiến sẽ sống ở thành phố vào năm 2050. Đặc biệt, khái niệm phân chia nông thôn và thành thị không còn phù hợp với hệ thống nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Liên hợp quốc chỉ rõ ngoài 3 nguyên nhân chính ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu như trên thì nguy cơ mất an ninh còn đến từ các nguyên nhân khác như tăng trưởng dân số quá nhanh, sự bất ổn địa chính trị, sự phân phối không đồng đều, những thay đổi về giá cả và thậm chí là cả việc thiếu nỗ lực quốc tế. Liên hợp quốc khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì khi con đường đến mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030 là rất khó khăn. Theo ước tính, gần 600 triệu người sẽ vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030”.

Thống kê sản lượng gạo toàn cầu của FAO.

Lạm phát giá

Ở một bản báo cáo khác, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) lại cảnh báo nguy cơ lớn nhất đến từ tình trạng bất bình đẳng trong phân phối. Theo FAO, hầu hết các lương thực chính của thế giới như gạo, ngũ cốc, cây lấy dầu, sữa, đường, thịt, cá và các sản phẩm thủy sản… đều tăng sản lượng trong năm 2023 và có khả năng tiếp tục tăng trong năm 2024. Kết quả này đạt được nhờ quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng mở rộng.

Sản lượng ngũ cốc toàn cầu ước tăng 3% trong năm 2023, lên 1.513 triệu tấn (một kỷ lục mới). Thành quả này đến chủ yếu do sản lượng ngô tăng ở Mỹ và Brazil, bù lại sản lượng lúa mì giảm do ảnh hưởng của xung đột Ukraine và những vụ mùa kém hơn tại Mỹ. Sản lượng lúa gạo cũng giảm nhẹ trong năm 2023 do tác động của thời tiết ở những khu vực sản xuất chính tại Nam và Đông Nam Á nhưng không quá lớn.

Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia (ONWR) Thái Lan từ đầu năm đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang "trồng các loại cây ngắn ngày ít sử dụng nước", trong bối cảnh tổng lượng mưa của Thái Lan năm nay ít hơn trung bình khoảng 40%. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan và Việt Nam (hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới) phải chịu tác động của hiện tượng El Nino trong nửa cuối năm 2023.  Hình thái thời tiết này gây hạn hán và nắng nóng hơn, do đó nông nghiệp và sản xuất lúa gạo về lý thuyết có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia đã khẳng định tác động không lớn như hồi năm 2015 - 2016 vì người làm nông nghiệp ở đây đã có kinh nghiệm đối phó với tác động thời tiết. Các yếu tố hỗ trợ sản xuất gồm giá thành cao hơn, chi phí phân bón giảm, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã khiến cho lượng sản xuất lúa gạo toàn cầu sẽ tăng 1,3% trong mùa vụ năm 2023 - 2024, lên 523,5 triệu tấn.

COP28 bàn về nông nghiệp và khí hậu.

Thống kê của FAO cũng khẳng định giá lương thực thực phẩm nói chung đang có xu hướng giảm. Bản thông báo hôm 5/1/2024 cho biết, giá lương thực toàn cầu tiếp tục giảm 1,5% trong tháng 12/2023 và kết thúc năm ở mức thấp hơn 10,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, bài toán giá lương thực lại phức tạp hơn nhiều với nghịch lý: Giảm trên thị trường thế giới nhưng lại đắt đỏ tại bàn ăn.

Ông Ian Mitchell, giám đốc Chương trình châu Âu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại London, cho biết: “Các thị trường thực phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau đến mức bất kể bạn ở đâu trên thế giới, bạn đều cảm nhận được tác động nếu giá cả toàn cầu tăng lên” trong khi đó “làn sóng sáp nhập doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra nhiều năm qua đã làm giảm sự cạnh tranh trong ngành thực phẩm”. Nói cách khác, sự độc quyền đang đem lại hệ quả xấu. Các chuyên gia đánh giá, giá cao là một yếu tố dẫn đến tình trạng thiếu đói cấp tính trên toàn cầu. Không giống như trước đây, thiếu đói cấp tính trên thế giới hiện nay chủ yếu do người dân không đủ khả năng chi trả chứ không phải do thiếu nguồn cung.

Trong khi đó, xu hướng bảo hộ an ninh lương thực đang lan rộng. Tỷ lệ các quốc gia và vùng lãnh thổ không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới (theo số liệu của FAO), vì vậy, có gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Điều này đã gây ra tình trạng “tranh mua”, đẩy giá lương thực toàn cầu trong năm qua tăng cao bất chấp nhu cầu vẫn đủ để đáp ứng. Khi giá lương thực lạm phát, những người gặp khó khăn nhất sẽ là những người nghèo nhất. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, đây đã trở thành nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng thiếu lương thực cục bộ ở những khu vực nghèo đói. Một hệ quả từ cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài từ năm 2019 tới nay.

Tổng giám đốc FAO công bố lộ trình mới.

Một lộ trình khác

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra đầu tháng 12/2023 tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất vừa qua, hơn 130 quốc gia đã nhất trí đưa vấn đề lương thực, thực phẩm và nông nghiệp vào kế hoạch hành động khí hậu quốc gia, nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực bền vững. Các bên cũng đã đưa ra được một lộ trình mới để quay trở lại mục tiêu xóa nạn đói vào năm 2030. Lộ trình này sẽ hướng thế giới vượt qua những cột mốc và hành động nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, coi đây là "chìa khóa" bảo đảm an ninh lương thực bền vững.

Bản tuyên bố của FAO với tên gọi "Lộ trình toàn cầu hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) mà không vượt ngưỡng 1,5 độ C" được công bố hôm 15/12/2023 vừa qua kêu gọi thực hiện những thay đổi mang tính chuyển đổi. Trong ngắn hạn, lộ trình này cam kết đến năm 2030 giảm 25% lượng khí thải từ sản xuất nông nghiệp so với mức của năm 2020 và đến năm 2035 đạt mục tiêu trung hòa các-bon. Mục tiêu dài hạn bao gồm chuyển đổi hệ thống nông nghiệp hướng tới trung hòa các-bon vào năm 2050, thu giữ 1,5 tỷ tấn khí thải nhà kính mỗi năm.

Nông nghiệp là vấn đề sống còn.

Tuyên bố cũng bao gồm những nội dung được đề cập tại COP28, trong đó đề ra 120 hành động trong 10 lĩnh vực, như năng lượng sạch, rác thải thực phẩm, dinh dưỡng, chăn nuôi..., nhằm dung hòa hệ thống thực phẩm với khí hậu. Dẫu vậy, vấn đề cốt lõi của tuyên bố này vẫn là đảm bảo được việc duy trì hệ thống thực phẩm bền vững “cho tất cả mọi người trong hôm nay và ngày mai" như mong muốn của Tổng giám đốc FAO, ông Khuất Đông Ngọc đã nhấn mạnh, để làm được điều đó, chỉ những lời kêu gọi hoặc tuyên bố là không đủ.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top