Xuất khẩu rau quả năm 2024: Kỳ vọng những kỷ lục mới

09:37 - Thứ Năm, 11/01/2024 Lượt xem: 3470 In bài viết

Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, đổi mới trong phương thức sản xuất, Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2024, ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới, tăng trưởng 15-20% so với năm 2023...

Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre).

Cán đích trước 2 năm

2023 được coi là năm kỷ lục của ngành hàng rau quả khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước.

Trước đó, mục tiêu ngành Nông nghiệp đề ra đối với mặt hàng rau quả năm 2024 đạt 4,5 tỷ USD, đến năm 2025 là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023, mục tiêu đề ra đã cán đích với kim ngạch xuất khẩu 5,69 tỷ USD, vượt 2 năm so với kế hoạch của ngành.

Phân tích những thành công này, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, chất lượng đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Bên cạnh đó là sự đa dạng trong sản phẩm với nhiều mặt hàng trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng. Dấu ấn của ngành rau quả trong năm nay phải kể đến sầu riêng, khi năm 2023 thu về 2,3-2,4 tỷ USD. Trong khi đó, từ năm 2021 trở về trước, xuất khẩu sầu riêng chỉ khoảng hơn 200 triệu USD/năm.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy chia sẻ, doanh thu của tập đoàn năm 2023 tăng gấp đôi so với năm trước nhờ trái sầu riêng xuất khẩu tăng cao. Năm 2023, doanh số xuất khẩu sầu riêng chiếm khoảng 80% tổng doanh thu của tập đoàn, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 75% mảng này.

Ngoài ra, phải kể đến sự “chiếm lĩnh” của trái cây Việt Nam ở một số thị trường lớn ngày một gia tăng. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, ngoài đột phá về mặt hàng sầu riêng thì việc mở rộng thị trường mang đến nhiều cơ hội cho mặt hàng này tăng giá. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, thị trường Hoa Kỳ đã mở cửa cho trái bưởi, trái dừa Việt Nam. Những yếu tố này giúp việc xuất khẩu trái cây vào thị trường này tăng khoảng 30% so với năm trước. Cùng với đó, bưởi, chanh đã vào được thị trường New Zealand... góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng vượt bậc.

Đáng chú ý, với thị trường Liên minh châu Âu (EU), tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Việt Nam đã xuất khẩu được một số sản phẩm mang tính chất ổn định như chuối, sầu riêng, dừa, nhãn và các loại rau gia vị. Tại thị trường Nhật Bản, sau thanh long, xoài và vải, thì trái nhãn tươi cũng đã được khơi thông. Vào được thị trường khắt khe này đồng nghĩa với việc trái cây Việt Nam nói chung, quả nhãn nói riêng sẽ có cơ hội chinh phục các nước phát triển khác.

Việc có mặt ở hầu hết những thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới, mở ra nhiều cơ hội phía trước.

Nhiều cơ hội tốt trong năm 2024

Từ những tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2024, ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới, tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023, tương đương 6,5-7 tỷ USD nếu tận dụng tốt thời cơ...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, xuất khẩu nông sản nói chung và ngành hàng rau quả nói riêng sẽ đón nhận nhiều cơ hội tốt trong năm 2024. Riêng mặt hàng rau quả, sự mở rộng thị trường tại nhiều nước có dấu hiệu khả quan. Cụ thể, với trái dưa hấu, trước đây, chúng ta chủ yếu bán ở chợ biên giới, số liệu không được ghi nhận, song việc Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư mở chính ngạch, giúp trái dưa hấu phát triển tốt vượt bậc tại đất nước 1,4 tỷ dân này.

“Dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Nếu triển khai được, nghị định này sẽ đóng góp quan trọng trong xuất khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt là những tháng đầu năm 2024”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam Nguyễn Khắc Tiến, 2023 là năm khởi động, 2024 sẽ là năm bứt phá ở thị trường Trung Quốc khi dư địa và tiềm năng còn rất nhiều. Qua quá trình làm việc với các tập đoàn của Trung Quốc, công ty nhận thấy tiềm năng gia tăng kim ngạch của sản phẩm sầu riêng chế biến. Sang năm 2024, công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm này.

Bên cạnh đó, thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đang mở rộng “cánh cửa” bởi trái cây Việt Nam có chất lượng tốt, là đặc sản mà nhiều quốc gia xuất khẩu khó cạnh tranh... Tuy nhiên, đi cùng với thuận lợi là những thách thức không nhỏ. Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra những khó khăn mà ngành hàng rau quả cần khắc phục, đó là duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này rất lớn. Bộ NN&PTNT tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị, xây dựng thương hiệu rau quả Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu; phân tích, cập nhật thông tin từ các thị trường để có định hướng sản xuất trong nước phù hợp...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top