Mua hàng hiệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc: Đừng tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái

10:35 - Thứ Hai, 15/01/2024 Lượt xem: 3852 In bài viết

Dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng nhanh. Lợi dụng thời điểm này, nhiều đối tượng đã tung ra thị trường hàng nhái, kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sức lôi cuốn của những loại hàng này là giá rẻ hơn rất nhiều hàng thật. Với việc mua "đồ hiệu" giá rẻ, vô tình người tiêu dùng đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng trên.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ lô mỹ phẩm giả nhãn hiệu lớn tại một cửa hàng ở quận Bắc Từ Liêm.

Nhiều loại hàng bị làm giả, làm nhái

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm trên nhiều lĩnh vực, sản phẩm như: Quần áo, giày dép, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… với đặc điểm chung là sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp có uy tín; giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Khảo sát ở nhiều địa điểm quảng cáo bán hàng hiệu giá rẻ cả trực tiếp và trực tuyến, phóng viên nhận thấy, nhiều mặt hàng cùng chủng loại nhưng mức giá cả chênh lệch khá lớn. Tại một cửa hàng quần áo treo biển hàng xuất dư xịn giá rẻ trên phố Nhân Hòa (quận Thanh Xuân) luôn nhộn nhịp khách, người bán hàng quảng cáo những chiếc áo, váy gắn mác hãng nước ngoài chỉ từ hơn một trăm đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Vào những thời điểm xả hàng thì hạ giá xuống còn vài chục nghìn đồng/sản phẩm hoặc bán “combo” từ 3 đến 5 sản phẩm cùng lúc với mức giá khá rẻ khiến khách hàng không phải đắn đo nhiều khi mua hàng.

Ở dòng sản phẩm khác, chị Nguyễn Thảo Hoa (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) chia sẻ, chị đã tìm mua một chiếc túi xách của các hãng “Coach” hoặc “Furla” nhưng mỗi cửa hàng báo một mức giá khác nhau, từ 1,5 triệu đến 11 triệu đồng. Người bán hàng giải thích mức giá chênh lệch liên quan đến nguồn hàng nhập về, nơi thì “bao” chuẩn xịn kiểm tra mã vạch, mã QR thoải mái, nơi bán hàng xuất dư thì giá mềm hơn, hoặc có sản phẩm là hàng nhái loại 1 (“fake 1”), loại 2 (“fake 2”)... đáp ứng đủ khả năng tài chính của người tiêu dùng chọn lựa.

Nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái tồn tại ở nhiều lĩnh vực là người tiêu dùng chưa có nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả và ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận người tiêu dùng có thị hiếu thích dùng hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng nhưng giá rẻ phù hợp về tài chính nên một số cơ sở kinh doanh vẫn lén lút kinh doanh hàng hóa loại này kiếm lời.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong năm 2023, cơ quan này đã phát hiện, ngăn chặn, kiểm tra, xử lý hàng chục vụ với rất nhiều đối tượng kinh doanh, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… Dự báo trong thời gian tới, tình hình này còn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, đặc biệt là với những doanh nghiệp chân chính và tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tập trung kiểm tra, kiểm soát

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, hải quan, thuế, sở ban ngành các cấp để tổ chức các đợt truy quét, kiểm tra, xử lý nghiêm những đường dây, ổ nhóm, điểm tập kết lớn, những đơn vị, đầu nậu sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát những nhóm hàng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp có nguy cơ cao bị xâm phạm.

Cũng theo ông Dương Mạnh Hùng, một số cách có thể phân biệt hàng thật, hàng giả qua mẫu mã, bao bì sản phẩm hàng hóa như: Phân biệt qua tên nhãn hiệu, thương hiệu. Đối với hàng giả thì tên thương hiệu, logo thường không rõ nét...; có các vết xước trên bao bì, màu sắc cũ kỹ, nhòe màu, không thấy rõ ngày sản xuất, hạn dùng, thành phần, cách dùng; phân biệt qua mã vạch; phân biệt qua mã QR.

Ngoài ra, ông Dương Mạnh Hùng cũng khuyến cáo người dân nên mua hàng ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu, uy tín, có đầy đủ hóa đơn chứng từ, tem nhãn đúng quy định của pháp luật. Và quan trọng hơn cả là người dân cần coi việc mua hàng thật, có nguồn gốc xuất xứ là đương nhiên, không tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả, không rõ nguồn gốc.

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, đặc điểm chung phổ biến của gian lận thương mại là các đối tượng đánh vào tâm lý thích mua hàng rẻ của người tiêu dùng để lập tài khoản ảo bán hàng với nội dung quảng cáo gian dối, thổi phồng chức năng, công dụng, chất lượng, giá bán của hàng hóa. Vì vậy, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để phòng tránh các nguy cơ lừa đảo. Bên cạnh đó, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch; cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin chào mời mua hàng giá rẻ hoặc nhận được hoa hồng từ việc mua hàng. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, người tiêu dùng cần phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước hoặc tới cơ quan công an, đồng thời, chủ động chia sẻ thông tin để người thân, bạn bè biết và phòng tránh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top