Cơ hội giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế

10:43 - Thứ Hai, 15/01/2024 Lượt xem: 3787 In bài viết

Với bốn lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt mạnh trong nửa cuối năm, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm thêm trong năm 2024.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank.

Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) mới đây cũng vừa công bố báo cáo kết quả của Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024, theo đó dự báo, mặt bằng lãi suất sẽ giảm nhẹ trong năm 2024.

Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm

Tại thời điểm khảo sát (đầu tháng 1/2024 đến nay) cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm mức lãi suất gửi tiết kiệm. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) vừa thay đổi biểu lãi suất huy động và tiếp tục giảm 0,1-0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn từ ngày 12/1. Theo đó, tại kỳ hạn một tháng và hai tháng, lãi suất tiền gửi của Vietcombank giảm từ 1,9%/năm xuống còn 1,7%/năm; lãi suất tiền gửi Vietcombank kỳ hạn ba tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 2%/năm; lãi suất tiền gửi Vietcombank kỳ hạn sáu tháng, chín tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm; lãi suất tiền gửi Vietcombank kỳ hạn 12 tháng trở đi chỉ còn 4,7%/năm, giảm 0,1 điểm %. Hiện lãi suất Vietcombank được đánh giá thấp nhất trong nhóm “Big 4 ngân hàng” đồng thời cũng là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng mới cập nhật biểu lãi suất trong tháng 1/2024. Cụ thể,đối với khách hàng cá nhân, mức lãi suất áp dụng cho hình thức lĩnh vào cuối kỳ dao động từ 2,2%/năm đến 5,3%/năm. Đối với khách hàng doanh nghiệp, VietinBank giảm mạnh lãi suất huy động so với mức niêm yết cách đây một tháng. Hiện lãi suất tiền gửi tại VietinBank dao động trong khoảng 2,1-4,5%/năm đối với hình thức nhận lãi cuối kỳ. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mới đây cũng điều chỉnh giảm biểu lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn, dao động từ 2,6-4,9%/năm…

Mặc dù lãi suất huy động giảm thấp kỷ lục, tuy nhiên dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư và doanh nghiệp vẫn chảy mạnh vào ngân hàng. Theo số liệu từ NHNN, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 13,2% so với cuối năm 2022), là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Như vậy, trong năm 2023, tiền gửi của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng - mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây, riêng quý IV/2023 tăng hơn 800 nghìn tỷ đồng. Số liệu được các ngân hàng thương mại công bố mới đây cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền gửi ở mức cao trong năm 2023. Theo đó, trong năm 2023, Vietcombank ghi nhận huy động vốn thị trường 1 tăng mạnh 12,1% và đạt khoảng 1,41 triệu tỷ đồng. Huy động vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đến cuối năm 2023 cũng ghi nhận đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của VietinBank đạt 13,7%...

Còn dư địa giảm tiếp lãi vay

Nhìn nhận về lãi suất, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, năm 2023, NHNN liên tục bốn lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022. “Đến thời điểm này, mức lãi suất cho vay đã xuống rất thấp kể cả lĩnh vực không phải đối tượng ưu tiên. Nhiều ý kiến đánh giá, lãi suất đã giảm tương đương mức 20 năm về trước”, Phó Thống đốc cho biết.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, về mặt điều hành, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024 bởi việc điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn. Dù vậy, những khoản cho vay lãi suất cao do các ngân hàng huy động trước đó sẽ không còn trong năm 2024. “Chúng tôi khuyến khích các ngân hàng thương mại cần nỗ lực cắt giảm chi phí để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, nhưng nếu không giảm được nữa thì cũng không tính đến việc tăng lãi suất cho vay trong năm 2024,” ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trên thực tế, dù lãi suất huy động đã giảm rất sâu, về mức thấp nhất trong 20 năm qua, song lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động. “Dù lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong thời gian dài vừa qua, nhưng 50% dư nợ tín dụng lại nằm ở cho vay trung và dài hạn - đồng nghĩa với kỳ điều chỉnh lãi suất dài (thường là 12-20 tháng), cho nên giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Chí Quang lý giải.

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024 vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng ghi nhận mặt bằng lãi suất huy động hiện đã ở vùng thấp lịch sử, thậm chí là thấp hơn cả thời điểm Covid-19 đối với một số ngân hàng. Do vậy, việc lãi suất huy động hạ thêm trong năm 2024 là khó xảy ra trong bối cảnh lạm phát vẫn là yếu tố khó lường. Tuy nhiên, các chuyên gia từ công ty chứng khoán này cũng nhận định lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75-1%.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự đoán: Lãi suất huy động của các ngân hàng có thể khó giảm thêm và sẽ tăng từ quý II/2024, chủ yếu do nền kinh tế được dự báo sẽ khởi sắc, từ đó thúc đẩy nhu cầu về vốn, khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn. Dù vậy, lãi suất cho vay có khả năng giảm tiếp trong những tháng đầu năm 2024.

Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) mới đây cũng công bố báo cáo kết quả của Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024. Theo đó, với nhu cầu vay vốn được dự báo cải thiện nhiều hơn trong năm 2024, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân giảm 0,3-0,4%/năm trong quý I/2024 và giảm 0,2%/năm trong cả năm 2024. Huy động vốn toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 điểm % so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top