Hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 6%

09:16 - Thứ Ba, 16/01/2024 Lượt xem: 3723 In bài viết

Dù một số chỉ tiêu xuất khẩu năm 2023 “lỗi hẹn” với kế hoạch đặt ra song vẫn có những điểm sáng tích cực cùng mức xuất siêu kỷ lục. Điều này cho thấy, tiềm lực xuất khẩu lớn, sức chống chịu của doanh nghiệp luôn được củng cố.

Năm 2024 vẫn là năm có nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6%, duy trì trạng thái thặng dư là khả thi.

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (huyện Đan Phượng). Ảnh: Trần Việt

Điểm sáng thị trường Trung Quốc

Đánh giá về hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tăng trưởng. Theo số liệu mới nhất, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đảo chiều từ giảm trong nửa đầu năm sang tăng dần vào các tháng cuối năm. Ước kim ngạch cả năm 2023 là 61,67 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Cùng với thị trường Trung Quốc, một số thị trường mới, thị trường ngách cũng được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác khá hiệu quả. Điển hình như thị trường châu Phi tăng 6,4%; một số nước Tây Âu, Đông Âu và Bắc Âu tăng 7,5%; Tây Á tăng 8,7%. Xuất khẩu nhóm ngành hàng nông nghiệp cũng là điểm sáng khi đóng góp 32,56 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2022...

Tuy nhiên, do chịu tác động tiêu cực từ sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm, lạm phát cao, nhiều tiêu chuẩn mới xuất hiện, nhất là tiêu chuẩn xanh, các bon thấp..., tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đã “lỗi hẹn” với kế hoạch đề ra, ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 301,56 tỷ USD, giảm 5,5% so với năm 2022. Một số thị trường xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức giảm đáng kể, như thị trường Mỹ giảm 11,6%, Liên minh châu Âu giảm 5,9%, Hàn Quốc giảm 3,4%...

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá, Việt Nam vẫn xuất siêu với con số kỷ lục (28 tỷ USD) thể hiện tiềm lực xuất khẩu vẫn rất lớn cùng sức chống chịu của doanh nghiệp đang được củng cố. Còn chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, xuất khẩu không đạt mục tiêu chủ yếu từ những yếu tố khách quan. Các tháng cuối năm 2023 đà suy giảm rút ngắn là tín hiệu khả quan cho năm 2024.

Nhiều tín hiệu tích cực

Dự báo năm 2024 nền kinh tế thế giới có tín hiệu cải thiện. Tại thị trường Mỹ, các đợt cắt giảm lãi suất có thể được thực hiện giúp thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Kinh tế của các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang có dấu hiệu hồi phục dù còn chậm. Nhiều doanh nghiệp cũng dự báo số lượng đơn hàng mới trong quý I-2024 sẽ tăng so với quý IV-2023.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Bộ Công Thương đề ra mục tiêu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm 2023 được dựa trên thực tế hoạt động xuất khẩu năm qua với những điểm sáng của các ngành hàng, thị trường, đồng thời tính tới sự phục hồi của các ngành dệt may, da giày… “Đây là mục tiêu thể hiện nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta có nhiều cơ sở để tin tưởng mục tiêu này có thể được hiện thực hóa”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.

Tương tự, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng khẳng định, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% là có thể thực hiện được. Mặc dù còn có những gập ghềnh, song trải qua nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc tìm kiếm thị trường mới, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn di chuyển tới Việt Nam góp phần thúc đẩy xuất khẩu chung. Động lực giảm lãi suất vốn tín dụng đã thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng quy mô xuất khẩu, đầu tư thích ứng với chuyển đổi xanh, các bon thấp… Một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu tăng như rau quả, gạo... Tất cả các yếu tố này góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.

Tuy nhiên, thách thức của năm 2024 cũng không nhỏ, khi các cuộc xung đột trên thế giới chưa có dấu hiệu lắng dịu, căng thẳng tại Biển Đỏ khiến chi phí gia tăng, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu… Để đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2024 cũng như hướng tới xuất khẩu bền vững, các chuyên gia nhận định, cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng hàm lượng nội địa và từng bước chuyển từ nền sản xuất gia công, lắp ráp sang nền sản xuất chế biến, chế tạo với giá trị gia tăng cao.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; ký kết các FTA với các đối tác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Bộ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với các cơ quan liên quan phía Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau, quả của Việt Nam...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top