Tạo nền tảng để kinh tế bứt phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo

10:23 - Thứ Tư, 17/01/2024 Lượt xem: 4767 In bài viết

Khép lại năm 2023 đầy biến động với thách thức nhiều hơn thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, kiên cường trên đà phục hồi và tăng trưởng khá; quy mô nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cao hơn năm 2022, tạo tiền đề để tăng tốc, bứt phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Cáp treo phục vụ khách du lịch tham quan Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. 

Đây là cố gắng, quyết tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ như thời gian vừa qua.

Kinh tế phục hồi với nhiều điểm sáng

Đánh giá tình hình và kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: Mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng khá cao so với các quốc gia trên thế giới và khu vực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, khó lường. Nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Dấu ấn đặc biệt của năm 2023 là đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử trong các hoạt động đối ngoại, từ đó tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế-xã hội và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ...

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực với tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2%; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh với kết quả đầu năm khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc-Nam, giữa năm khánh thành chín dự án, cuối năm đồng loạt khánh thành bốn dự án giao thông quan trọng, đưa vào sử dụng 475 km đường cao tốc, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, dấu hiệu phục hồi kinh tế thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm đạt 5,05%; sản xuất công nghiệp phục hồi, tăng trưởng dương trở lại; xuất khẩu dần phục hồi từ mức âm 26% đầu năm lên mức âm 4,4% vào cuối năm; đầu tư công đạt kỷ lục, tăng 21,2% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm giải ngân 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 32%, giải ngân tăng 3,5%; du lịch phục hồi khá tốt; nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, lạm phát giảm bền vững; tỷ giá cơ bản ổn định (cả năm tăng 2,6%); thị trường tài chính tiền tệ cơ bản ổn định, trong tầm kiểm soát; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ luôn nằm trong giới hạn cho phép và ở mức thấp so với các nước tương đồng…

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới…

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, ngay trong những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với sáu nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; cùng với đó là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chíp và chất bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.

Đáng lưu ý, trong các nhóm giải pháp điều hành, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6% trong năm 2024, ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB cho biết, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế như xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tích cực hơn.

Cơ sở để đưa ra những dự báo lạc quan này là Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời có vị thế tốt để tiếp tục thu hút vốn FDI nhờ lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh.

Tuy nhiên trong trung và dài hạn, cần tăng cường cải thiện năng suất và hiệu quả lao động, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vì hiện nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia dành ít ngân sách cho các hoạt động giáo dục.

Theo bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đầu tư tư nhân của Việt Nam đang ở mức rất thấp, cùng với đó là sự chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những vấn đề cần lưu ý trong chính sách điều hành vì muốn phục hồi kinh tế, cần có sự cải thiện đầu tư của khu vực tư nhân và tiêu dùng trong nước.

Vị chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới. “Tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và xanh. Để đi đến tương lai đó, các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp”, bà Dorsati Madani nhận định.

Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2021-2025). Với việc đề ra mục tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực dự báo đều thấp hơn mức tăng trưởng đạt được năm 2023, Việt Nam lại một lần nữa quyết tâm “vượt những cơn gió ngược”, đưa nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, các chỉ tiêu thực hiện vượt kế hoạch gồm: chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,25%, số bác sĩ trên 10 nghìn dân là 12,5, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,35%. Các chỉ số đạt mục tiêu kế hoạch gồm: tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo; số giường bệnh trên 10 nghìn dân; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top