Quốc hội cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.
Sáng 18-1, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo đó, 63.725 tỷ đồng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 được phân bổ cụ thể như sau:
Phân bổ 33.156,987 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV. Giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Đối với số vốn còn lại 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; trường hợp cấp bách, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nghị quyết cũng quyết nghị sử dụng 2.526,16 tỷ đồng dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng để bổ sung cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chính phủ chịu trách nhiệm và cam kết về việc lựa chọn phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia báo cáo Quốc hội là phương án tối ưu để bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm, giá thành và chi phí hợp lý, đúng quy định về đánh giá tác động môi trường và đồng bộ với quy hoạch; chỉ đạo thực hiện bàn giao, bổ sung vốn, tài sản sau khi dự án hoàn thành theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dự án, chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và các báo cáo, nội dung liên quan đến dự án theo đúng quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí, tiêu cực.