Cánh cửa rộng mở cho xuất khẩu cà-phê năm 2024 chinh phục đỉnh cao mới

15:20 - Thứ Năm, 18/01/2024 Lượt xem: 4185 In bài viết

Xuất khẩu cà-phê Việt Nam đã xác lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt 4,24 tỷ USD trong năm 2023. Vừa bước qua đầu năm mới, giá cà-phê Robusta lại tiếp tục ghi thêm nhiều đỉnh mới. Với lợi thế này ngành cà-phê càng có cơ sở vững chắc cho mục tiêu xuất khẩu 2024...

(Ảnh: Reuters)

Kim ngạch xuất khẩu cà-phê cao nhất trong lịch sử

Trong báo cáo xuất khẩu cuối năm 2023, Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu cà-phê của Việt Nam đạt 4,24 tỷ USD, tăng 4,6% so năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp giá trị xuất khẩu cà-phê của nước ta vượt 4 tỷ USD.

Dù kim ngạch đạt kỷ lục nhưng năm qua Việt Nam chỉ xuất đi 1,62 triệu tấn cà-phê (tương đương 27,05 triệu bao), giảm 8,7% so năm trước. Cho nên, kết quả này là nhờ giá Robusta trên thế giới và giá cà-phê nội địa ở mức cao.

Lượng và kim ngạch xuất khẩu cà-phê của Việt Nam.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tính đến ngày 31/12/2023, giá Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) ở mức 3.046 USD/tấn, tăng 63% so cuối năm 2022.

Đặc biệt, giá Robusta trong năm qua chạm mức cao nhất trong 28 năm vào ngày 21/12/2023 với 3.179 USD/tấn. Cùng với đó, trang giacaphe.com cho biết, giá cà-phê nhân xô năm 2023 tại nước ta đã chạm mức đỉnh lịch sử vào ngày 29/12, đạt 69.900 đồng/kg.

Thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn hàng tại Việt Nam là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy giá tăng. Bởi vì năm 2022, Việt Nam đã xuất đi một lượng cà-phê lớn kỷ lục trong khi sản lượng thu hoạch lại giảm 10-15% so vụ trước, cho nên lượng cà-phê sẵn sàng cho xuất khẩu năm 2023 thấp. Trong khi đó, nhu cầu đối với Robusta tăng mạnh trước bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì lãi suất tăng cao và kinh tế ảm đạm, đã thúc đẩy giá tăng mạnh hơn.

Trước số liệu tích cực của ngành cà-phê trong năm 2023, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết: “Năm vừa qua, ngành cà-phê Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế về giá để viết tiếp lịch sử kim ngạch xuất khẩu năm thứ hai. Đây là tín hiệu đáng mừng trong quá trình nâng cao giá trị xuất khẩu của ngành. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng kim ngạch dương đã giúp cà-phê là một trong số ít mặt hàng đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu của cả nước trong năm 2023”.

Ngay từ đầu năm 2024, cà-phê Việt đã có lợi thế

Trong những ngày đầu năm 2024, giá cà-phê liên tục tăng cao là lợi thế với các nước xuất khẩu như Việt Nam. Theo ghi nhận từ MXV, giá Robusta hợp đồng tháng một kết phiên 16/1 ở mức 3.435 USD/tấn, thiết lập mức đỉnh mới trong 28 năm. Cùng với đó, giá cà-phê nhân xô tại Việt Nam cũng xác lập kỷ lục với mức giá hiện đã vượt mốc 72.000 đồng/kg.

Diễn biến giá Robusta và cà-phê Việt Nam 2023-2024.

MXV nhận định lo ngại về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung trên thị trường, tiếp tục là yếu tố then chốt giúp giá cà-phê tiếp cận những vùng đỉnh mới. Tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ đang khiến giá cước vận chuyển cà-phê Robusta từ các quốc gia châu Á sang thị trường tiêu thụ như Mỹ và châu Âu tăng khoảng 56% so thời điểm trước xung đột, thời gian vận chuyển cũng bị kéo dài.

Trước bối cảnh này, giới chuyên gia nhận định xuất khẩu cà-phê trong quý I/2024 từ các quốc gia sản xuất lớn tại châu Á như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ có thể giảm 36% so bình thường.

Trong khi đó, xét về dài hạn, lo ngại thiếu hụt nguồn cung luôn rình rập trên thị trường Robusta. Hiệp hội Cà-phê Ca-cao Việt Nam (VICOFA) ước tính sản lượng cà-phê niên vụ 2023/24 của Việt Nam tiếp tục giảm thêm 10% so vụ trước. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng tại hai quốc gia cung ứng lớn khác là Brazil và Indonesia cũng giảm lần lượt 6,2% và 8% so niên vụ 2022/23.

Trước tình hình này, ông Dũng nhận định lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên Biển Đỏ sẽ tạo động lực rất lớn cho giá cà-phê trong năm 2024. Cụ thể, giá Robusta trên thị trường thế giới nói chung và giá cà-phê Việt Nam nói riêng vẫn còn dư địa để duy trì mức giá cao, ít nhất là trong nửa đầu năm 2024.

Lợi thế về giá tạo nền vững chắc cho giai đoạn mới

Vượt qua thách thức về việc sản lượng ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu cà-phê trong năm 2023 vẫn xác lập mức kỷ lục. Sang năm 2024, bối cảnh thị trường có nét khá tương đồng năm cũ khi sản lượng và xuất khẩu cà-phê của Việt Nam dự kiến vẫn chưa có khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang có lợi thế rất lớn về giá.

So với đầu năm 2023, giá cà-phê nội địa tính đến ngày 17/1 cao gần gấp đôi mức giá 39.000 đồng/kg. Hơn thế, giá Robusta trên thị trường thế giới cũng tăng khoảng 80% so thời điểm giá đạt 1.900 USD/tấn vào đầu năm trước. Kỳ vọng giá cà-phê nửa đầu năm 2024 tiếp tục neo ở mức cao, là một bước đệm tương đối tốt cho mục tiêu giá trị xuất khẩu cà-phê vượt 4 tỷ USD năm thứ 3 liên tiếp.

Sản lượng cà-phê ước tính của Việt Nam, Brazil và Indonesia.

Bên cạnh lợi thế về giá, khả năng làm chủ thị trường xuất khẩu cà-phê, đặc biệt là Robusta trong những tháng đầu năm 2024 sẽ đưa đến ưu thế kép trong quá trình gia tăng giá trị xuất khẩu. Indonesia dự kiến vẫn thu hẹp hoạt động xuất khẩu, đồng thời dư lượng cho cung ứng cà-phê trong nửa đầu năm 2024 của Brazil giảm dần sau khi ồ ạt bán hàng trong nửa cuối năm 2023. Trong khi đó, cà-phê của Việt Nam đang ở thời điểm dồi dào nguồn cung nhất trong năm khi hoạt động thu hoạch dự kiến kết thúc vào khoảng cuối tháng 1/2024.

Như vậy, mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu cà-phê trong năm nay đang được xây dựng trên nền tảng khá tốt. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn cần những chiến lược xuất khẩu thận trọng để tận dụng tối đa những lợi thế hiện có và duy trì được thành quả một cách lâu dài. Đồng thời, phát triển những lợi thế hiện tại để giữ chân người dân với cây cà-phê trong bối cảnh những giống cây mới đang xâm chiếm như sầu riêng hay chanh leo.

Theo NDĐT
Bình luận
Back To Top