Xử lý nợ thuế: Không để nợ kéo dài, hạn chế phát sinh mới

10:48 - Thứ Sáu, 19/01/2024 Lượt xem: 4266 In bài viết

Bước sang năm 2024, ngành Thuế tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý, thu hồi tiền nợ thuế, trong đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp, không để nợ thuế kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.

Khách hàng giao dịch tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm

Nguyên nhân nợ thuế tăng

Năm 2023, ngành Thuế thu hồi 41.557 tỷ đồng nợ đọng thuế; trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 37.605 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế là 3.952 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm ngày 31-12-2023 là 163.591 tỷ đồng, tăng 2,6% so với thời điểm ngày 30-11-2023, tăng 10,7% so với thời điểm ngày 31-12-2022. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện, tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm ngày 31-12-2023 là 140.091 tỷ đồng, tăng 2,1% so với thời điểm ngày 30-11-2023, tăng 10,6% so với thời điểm ngày 31-12-2022.

Theo Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ tăng một phần do hậu quả của dịch Covid-19 tác động xấu đến nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường làm tăng thêm tiền thuế nợ khó thu. Trong khi đó, tài sản của doanh nghiệp đều đã thế chấp ở ngân hàng nên khó thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Bên cạnh đó, các khó khăn chung của thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao. Ngoài ra, nhiều khoản thuế được gia hạn nộp theo quy định của Chính phủ trong năm 2023, nay đến hạn phải trả nhưng cá nhân, tổ chức chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước.

Thực tế, năm 2023, cùng với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, cơ quan thuế các cấp đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế phục hồi sản xuất, kinh doanh; giải quyết kịp thời các trường hợp được gia hạn nộp thuế, trả tiền nợ thuế nhiều đợt… Tổng cục Thuế cũng đã đôn đốc thu nợ; rà soát, phân loại nợ, xác định rõ nguyên nhân từng khoản nợ để áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp.

Với doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cơ quan thuế có biện pháp hỗ trợ, nhưng với doanh nghiệp chây ỳ, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế thu nợ. Ngoài ra, cục thuế địa phương công khai doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn; một số trường hợp cơ quan thuế gửi thông báo đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc phân loại nợ thuế để có giải pháp thu hồi phù hợp là cần thiết. Nếu doanh nghiệp vẫn hoạt động, có doanh thu cần tập trung tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, cố tình không nộp thì phải có biện pháp mạnh, thậm chí đề nghị truy tố. Tuy nhiên, doanh nghiệp thực sự khó khăn thì cần hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc.

Thu hồi đất nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ

Trong năm 2024, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế triển khai thu nợ ngay từ đầu năm đối với nhóm nợ có khả năng thu; áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với trường hợp số tiền thuế nợ lớn, chây ỳ, kéo dài.

Cụ thể, trường hợp có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, cơ quan thuế thực hiện các biện pháp như gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ để đôn đốc nộp trả ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh. Đối với trường hợp có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế thuộc trường hợp phải cưỡng chế, cơ quan thuế áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.

Giải pháp tiếp theo là đẩy nhanh việc xử lý đối với những khoản nợ đang chờ xử lý và tiền thuế đang chờ điều chỉnh. Theo đó, đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ đang chờ xử lý, các bộ phận trong cơ quan thuế tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các hồ sơ cơ quan thuế đã tiếp nhận và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục xử lý.

Đặc biệt, đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cơ quan thuế thực hiện rà soát, xác định chính xác số tiền người nộp thuế còn nợ; hạch toán, theo dõi đầy đủ các khoản nợ trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS). Trường hợp có vướng mắc, cục thuế chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn, báo cáo UBND cấp tỉnh, thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm số nợ.

Trường hợp người sử dụng đất chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không chấp hành thì cơ quan thuế chủ động ban hành văn bản kiến nghị UBND thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top