Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu:

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động lớn

09:54 - Chủ Nhật, 21/01/2024 Lượt xem: 5138 In bài viết

Tại kỳ họp bất thường lần thứ năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đã chia sẻ về quá trình hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua và một số điểm mới, có tác động lớn trong quan hệ kinh tế - xã hội của Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu.

Năm nhóm nội dung mới

Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Ông có thể cho biết công tác hoàn thiện dự thảo luật được thực hiện ra sao?

- Từ góc độ cơ quan thẩm tra trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phải đối mặt với nhiều thách thức đan xen. Đó là yêu cầu, đòi hỏi của Quốc hội, của cử tri; là yêu cầu về chất lượng cao của luật; yêu cầu về việc phải tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng tất cả các ý kiến của cử tri nhưng thời gian lại rất hạn chế. Đây là bài toán không dễ giải của các cơ quan liên quan, nhất là đối với một đạo luật lớn như Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 260 điều.

Để hóa giải thách thức này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phải tăng cường nhân lực và làm việc thêm thời gian với sự nỗ lực và quyết tâm lớn hơn rất nhiều lần vì mục tiêu có được một đạo luật chất lượng tốt nhất, đáp ứng tốt nhất những kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Ông có thể cho biết những nhóm nội dung mới nổi bật được quy định trong luật?

- Cá nhân tôi cho rằng có 5 nhóm nội dung mới: Thứ nhất, nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Thứ hai, việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp như quy định thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ Điều 54 Hiến pháp năm 2013, tức là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết...

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như đất sử dụng kết hợp đa mục đích; thu hẹp lại trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất; việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa với người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng nhận quá hạn mức thì buộc phải thành lập doanh nghiệp và có những phương án sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, về tài chính đất đai như: Tách bạch vấn đề về định giá đất với chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách để ổn định tiền thuê đất như đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Thứ năm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý nhà nước. Nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân với nhiều vấn đề quan trọng như thông tin, dữ liệu về đất đai, có cơ chế tạo thuận lợi hơn cho việc huy động sự tham gia của người dân, các định chế chính trị - xã hội giám sát việc thực thi cũng như là xây dựng chính sách về quản lý, sử dụng đất đai.

Cân bằng lợi ích của các bên liên quan đến đất đai là vấn đề “nóng” khi thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Vấn đề này được giải quyết như thế nào trong luật, thưa ông?

- Quan hệ pháp luật đất đai có tính chất rất đặc biệt so với các quan hệ kinh tế - xã hội khác. Bởi nó luôn tồn tại lợi ích của 3 bên: Nhà nước, người sử dụng đất và người muốn tiếp cận đất; đôi khi lợi ích của các bên không đồng nhất. Từ phía người muốn tiếp cận đất đai như doanh nghiệp luôn mong muốn giá hợp lý, nhưng người sử dụng đất phải nhường đất luôn mong muốn một giá rất cao, ngoài ra còn có vai trò của Nhà nước. Do đó, nếu như trong một quy định lại đặt lợi ích của một nhóm đối tượng này lên cao hơn thì các đối tượng khác sẽ bị thiệt hại. Ngoài ra, quan hệ đất đai ở Việt Nam còn có tính chất lịch sử, văn hóa trong việc sử dụng đất của các vùng miền, các nhóm đối tượng cũng khác nhau.

Từ kinh nghiệm của người tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành nhiều đạo luật, tôi cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật khó nhất và giải quyết câu chuyện cân bằng lợi ích của các bên là điều rất khó. Do đó, nỗ lực của cơ quan làm luật là làm cho tất cả các bên đều cảm thấy hài lòng ở mức cao nhất.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Ảnh: Nguyễn Quang

Chính phủ sẽ quy định cụ thể, chi tiết nhiều nội dung

Quy định công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1-7-2014 là điểm đáng chú ý trong Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung này được quy định ra sao, thưa ông?

- Điều 138 của Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có quy định xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1-7-2014. Cụ thể là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đến trước ngày 1-7-2014.

Trong Điều 138 quy định rõ một số nguyên tắc cơ bản và sau đó sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Với tính chất của Luật Đất đai (sửa đổi) không thể quy định chi tiết hơn nữa trong luật. Do đó phải giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết từng trường hợp, từng thời điểm, hồ sơ, giấy tờ...

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm áp thuế cao với người có nhiều tài sản nhà đất. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?

- Để phát huy hiệu quả sử dụng đất không phải chỉ Luật Đất đai (sửa đổi) mà đòi hỏi phải có sự thay đổi nhiều chính sách, ví dụ như chính sách thuế. Việc áp thuế cao với người có nhiều tài sản nhà đất nằm trong nhóm chính sách tăng hiệu quả sử dụng đất đai, nhưng lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai (sửa đổi) mà thuộc lĩnh vực thuế. Tôi cũng mong muốn chính sách về thuế nói chung, trong đó có chính sách về thuế liên quan đến việc sử dụng đất đai sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, đúng như một trong những mục tiêu Luật Đất đai (sửa đổi) đề ra.

Ban hành hướng dẫn chi tiết là nội dung quan trọng bảo đảm thi hành luật hiệu quả. Ông có thể thông tin sơ bộ về việc chuẩn bị các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đối với Luật Đất đai (sửa đổi)?

- Khi trình dự thảo luật, Chính phủ cũng đã gửi kèm theo các dự thảo nghị định để hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng 65 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết; Chính phủ sẽ phải ban hành nghị định hướng dẫn các điều, khoản này. Số lượng dự thảo cơ quan soạn thảo gửi kèm theo hồ sơ dự án luật chỉ là dự kiến, vì trong quá trình thi hành, số lượng nghị định, hướng dẫn có thể tăng hoặc giảm. Quan trọng nhất là nội dung hướng dẫn phải đầy đủ, có thể một nghị định hướng dẫn nhiều điều, khoản của luật.

Tôi mong muốn, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, Chính phủ sớm có kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành luật; trong đó, xác định rõ cơ quan làm đầu mối chủ trì tham mưu soạn thảo các nghị định.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top