Kín đơn hàng xuất khẩu cả quý I-2024, cà phê dễ đạt mục tiêu?

14:46 - Thứ Ba, 23/01/2024 Lượt xem: 4696 In bài viết

Nhu cầu cà phê thế giới tăng trong khi sản lượng cà phê tại nhiều nước giảm mạnh đang đẩy giá cà phê xuất khẩu lên cao. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với cà phê Việt Nam...

Nhộn nhịp ngay từ đầu năm

Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh những tuần đầu năm 2024.

Ngay từ tháng đầu năm 2024, cà phê đã đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu trong vài tuần qua của Việt Nam đều ghi nhận tăng giá. Cụ thể, ngày 22-1, giá cà phê Arabica tăng 3,83% - mức cao nhất trong 3 tuần; giá cà phê Robusta cao nhất 16 năm sau khi tăng 2,94% so với tham chiếu.

Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (23-1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng 400 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 72.200 - 72.900 đồng/kg.

Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam cho biết, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Trong năm qua, các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu gần hết lượng hàng trong kho. Các doanh nghiệp trong nước liên tục tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam bởi cà phê Việt Nam đang trở thành lựa chọn hàng đầu ở phân khúc Robusta.

Thông tin thêm về thị trường xuất khẩu cà phê đầu năm 2024, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Phúc Sinh - Nguyễn Huy Hùng chia sẻ, cuối năm 2023, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu cà phê sang các thị trường mới. Hiện, đơn hàng xuất khẩu cà phê đã kín đến hết quý I-2024.

Nhiều doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng cà phê chế biến xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam kín các đơn hàng trong quý I-2024. Theo phân tích thị trường cà phê thế giới, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm 2024 khi còn nhiều dư địa để duy trì mức giá cao.

Giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới được dự báo không giảm cho đến khoảng hết nửa đầu năm 2024 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên Biển Đỏ. Trong khi đó, tình hình nguồn cung cà phê thế giới trong năm 2024 được các cơ quan chuyên môn dự báo khá ảm đạm khi sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu đứng đầu đều giảm mạnh.

Vấn đề chất lượng và nguồn cung

Nhu cầu cà phê thế giới tăng trong khi sản lượng cà phê tại nhiều nước giảm mạnh đang đẩy giá cà phê xuất khẩu lên cao. Tuy nhiên, đây lại là thách thức với cà phê Việt Nam bởi sản lượng niên vụ 2023-2024 tiếp tục giảm.

Phân tích kỹ hơn, các chuyên gia cho rằng, bài toán đặt ra là sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023-2024 cũng giảm 10-15%. Doanh nghiệp xuất khẩu cần cân đối các đơn hàng để bảo đảm hợp đồng.

Bên cạnh đó, cảnh báo về quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đang là thách thức lớn đối với ngành cà phê Việt Nam. Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có hơn 710.000ha cà phê. Tuy nhiên, chưa tới 1/4 diện tích đạt chứng nhận sản xuất bền vững với các chứng nhận chuẩn quốc tế. Song song đối diện sản lượng giảm, diện tích đạt chứng nhận xuất khẩu nhỏ thì vấn đề chất lượng và nguồn cung phải được tính toán để bảo đảm uy tín ngành hàng này trên thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỉ lệ chế biến sâu.

Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, hữu cơ… mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.

Cà phê Việt Nam được giới thiệu tại nhiều quốc gia, được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt và phân tích kỹ mỗi thị trường để có định hướng trong sản xuất. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm. Các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả, từ đó, xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (sơ chế, tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu...

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tiếp tục cùng các địa phương rà soát, cấp mã, quản lý, từ đó mở rộng vùng trồng cà phê đạt chuẩn. Bộ cũng sẽ tăng cường phối hợp các bộ, ngành, hiệp hội thiết lập thị trường xuất khẩu bền vững.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top