Ngày 1/2, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước tháng 1/2024 ước đạt gần 231 nghìn tỷ đồng, bằng 13,6% dự toán.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Theo Bộ Tài chính, tiến độ thu tháng 1 đạt khá so với dự toán, chủ yếu do tập trung thu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng (đối với các doanh nghiệp kê khai, nộp thuế theo quý) phát sinh quý IV/2023.
Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách thu hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, điện tử hóa thu thuế; thanh tra, kiểm tra chống thất thu, gian lận, trốn thuế,... Từ đó, phấn đấu thu vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 được giao.
Về chi cân đối ngân sách nhà nước, tháng 1/2024 ước đạt 6,1% dự toán, xấp xỉ mức thực hiện so cùng kỳ năm 2023; trong đó, tập trung kinh phí thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng; đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ lãi đến hạn; kinh phí hoạt động của bộ máy Nhà nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các tháng đầu năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp thìn năm 2024.
Riêng chi đầu tư phát triển, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao hết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 657.349 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, dự toán thu ngân sách nhà nước là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi ngân sách nhà nước là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước; điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quản lý, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới.
Ngành tài chính thực hiện quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia…