Đừng để “hữu danh vô lực”

07:21 - Thứ Bảy, 03/02/2024 Lượt xem: 7448 In bài viết

ĐBP - Điện Biên vừa có thêm 3 sản phẩm OCOP được công nhận xếp hạng 4 sao là: Trà xanh Phan Nhất, Cà phê Hồng kỳ International coffee HK 13 và Cà phê nguyên hạt HK 10.

Trước đó, đã có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao là: Cà phê bột Hà Chung, Trà Shan Tuyết P.H.1.4, Mật ong Bánh tổ và Mật ong Hoa Ban.

Đây là điều đáng mừng không chỉ riêng với 3 sản phẩm được ghi nhận thăng hạng sau những nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã mà còn tác động đến giá trị chung của gần 60 sản phẩm OCOP toàn tỉnh. 

Triển khai từ năm 2018, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả tích cực. Chương trình góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước thay đổi tư duy, gia tăng giá trị sản xuất.

Song nhìn nhận khách quan thì sản phẩm OCOP tỉnh nhà vẫn còn nhiều hạn chế, mà theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thì “kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra”.

Chương trình OCOP được coi là trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân trong xây dựng nông thôn mới. Thương hiệu đã có nhưng sản phẩm OCOP chưa phát huy được vai trò như đã nêu trên. Nhiều sản phẩm có thể nói còn “hữu danh vô lực”!

Sản phẩm OCOP muốn phát huy được vai trò thì phải phát triển bền vững. Song “bền vững” là một thách thức rất lớn.

Những tiêu chuẩn OCOP có thể coi là hành lang pháp lý để nông dân áp dụng và phấn đấu đạt được nhằm sản xuất hiệu quả nhất. Song thực tế đa phần nông dân trên địa bàn thiếu kiến thức sản xuất với những yêu cầu về khoa học kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn OCOP. Tư duy canh tác truyền thống, kinh nghiệm vẫn là chủ đạo của bà con nông dân.

Đối với các chủ thể thì sự tham gia chưa chủ động. Dù đã có đổi mới, sáng tạo nhưng còn rất hạn chế so với tiềm năng. Quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm ít. Trong khi nguồn lực hỗ trợ chủ yếu là lồng ghép, cơ chế chính sách chưa đồng bộ.

Hiện nay, cơ bản sản phẩm OCOP của tỉnh được sản xuất thủ công hoặc bán tự động. Đối với quy trình sản xuất bán tự động sẽ làm tăng chi phí đầu tư nên giá sản phẩm OCOP trên thị trường cao hơn sản phẩm cùng loại khác. Với tư duy nông nghiệp truyền thống thì sự cạnh tranh về giá sẽ là rào cản lớn làm nông dân e ngại việc mở rộng quy mô sản xuất.

Về mặt sản xuất là vậy, về mặt tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, ngành chức năng, chính quyền một số địa phương đã chủ động hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các hội chợ thương mại, sự kiện kinh tế, văn hóa trong và ngoài tỉnh. Đó là điểm khởi sắc nhưng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử là yếu tố thiết yếu để kết nối và đưa sản phẩm OCOP đến gần với người tiêu dùng.

Hiện nay, một lĩnh vực có nhiều dư địa cho tiêu thụ sản phẩm OCOP đối với cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng, là du lịch.

Năm 2023, lượng khách du lịch đến Điện Biên ước đạt 1 triệu lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.750 tỷ đồng. Đây có thể xem là thị trường tiềm năng để tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại chỗ.

Song, điểm hạn chế là khách du lịch vẫn thiếu thông tin về sản phẩm OCOP của tỉnh. Sau 5 năm triển khai chương trình, tỉnh mới xây dựng và đưa vào hoạt động Điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền đảm bảo yêu cầu ổn định, chuyên nghiệp. Còn lại chỉ là sự trưng bày, giới thiệu rải rác tại các sự kiện.

Thực tế hiện nay, khách du lịch có xu hướng khám phá, trải nghiệm tại vùng nông thôn, vùng cao miền núi. Đây là lợi thế cần tận dụng để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Đối với nhiều khách du lịch, sản phẩm bày trên kệ tại cửa hàng sẽ không hấp dẫn bằng việc trải nghiệm thực tế tại nơi sản xuất. Hiệu ứng “trăm nghe không bằng một thấy” sẽ phát huy hiệu quả. Độ tin tưởng cao, du khách không chỉ mua sản phẩm mà còn trở thành tuyên truyền viên lan toả hiệu quả việc sản xuất, chế biến.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Điện Biên có ít nhất 90 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; 3 - 4 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia. Để đạt mục tiêu, chúng ta cần giải quyết triệt để những hạn chế hiện nay.

Duy Bình
Bình luận
Back To Top