Hướng phát triển từ ngựa vùng cao

07:51 - Chủ Nhật, 11/02/2024 Lượt xem: 6942 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, hoạt động thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phục vụ du khách được đẩy mạnh. Nhờ vậy các thế mạnh, tiềm năng sẵn có ở địa phương được quan tâm, chú trọng hơn. Trong đó, sử dụng ngựa để phục vụ khách du lịch chụp ảnh, check-in đang dần được thịnh hành, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con.

Anh Điêu Văn Quốc, xã Si Pa Phìn thuần hóa ngựa phục vụ du khách có nhu cầu trải nghiệm, chụp ảnh.

Ở vùng cao Tây Bắc, con ngựa có ý nghĩa đặc biệt. Ngựa vừa là tài sản lớn, vừa gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của cộng đồng các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Tuy nhiên, cuốn theo nhịp sống hiện đại, sức kéo, sức chở của ngựa dần được thay thế bằng các loại máy móc hiện đại. Một chiếc xe máy có thể làm các công việc của ngựa một cách dễ dàng. Chính vì vậy, việc cưỡi ngựa xuống chợ xuân, dắt ngựa đi chợ phiên, túm đuôi ngựa lên dốc… những hình ảnh làm nên một Tây Bắc nguyên sơ, mộc mạc đã đi vào không ít tác phẩm văn học, thi ca dần ít đi.

Sự xuất hiện nhiều điểm du lịch, các lễ hội văn hóa tại các huyện, thị đã tạo cơ hội cho nhiều nét văn hóa truyền thống được phát triển, trở thành một dịch vụ đậm bản sắc, phục vụ du khách thập phương. Trong đó có vó ngựa, một thứ vừa quen thuộc nhưng vừa lạ lẫm với rất nhiều người.

Ông Điêu Bình Dương, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) cho biết: Phìn Hồ là điểm thường niên tổ chức ngày hội văn hóa của huyện; cũng như hội xuân, chợ phiên của xã. Trong các ngày hội lớn, ngoài các nét văn hóa, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào các dân tộc, xã còn khuyến khích người dân phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du khách thập phương, như ẩm thực, các sản phẩm nông sản, cho thuê ngựa để chụp ảnh...

Tại Phìn Hồ, các đàn ngựa được nuôi thả của người dân khá nhiều. Tuy nhiên, người dân chưa nuôi ngựa để phục vụ du lịch, dịch vụ bao giờ, ít kinh nghiệm thuần ngựa. Người dân cũng chưa có sự đầu tư các điều kiện phục vụ đi kèm, như yên ngựa, dây cương, phụ kiện... Vì thế, để triển khai, các hộ phải thuê người chuyên thuần ngựa, có kinh nghiệm làm dịch vụ du lịch với ngựa ở xã Si Pa Phìn về hỗ trợ. Lần đầu tiên vó ngựa đạp bước trên sân vận động Phìn Hồ là dịp tháng 9/2023, trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái. Rất vui vì dịch vụ mới lạ, khách trải nghiệm, chụp ảnh, check in cùng ngựa rất đông, tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách.

Sau Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái, người dân nhận thấy việc thuần hóa ngựa, phục vụ du lịch trong các ngày hội, chợ phiên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nên nhiều cá nhân học hỏi, làm theo. Mặc dù chưa thực sự chuyên nghiệp, nhưng bước đầu đã thay đổi nhận thức, cũng như mở hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Du khách check in, chụp ảnh cùng ngựa tại Ngày hội văn hóa Thái huyện Nậm Pồ.

 Chúng tôi tới thăm bản Tân Phong, xã Si Pa Phìn và gặp anh Điêu Văn Quốc, người có thâm niên hơn 10 năm thuần hóa ngựa phục vụ du khách trong các điểm du lịch. Anh cũng là một trong những người đầu tiên làm dịch vụ cho thuê ngựa tại Điện Biên. Anh Quốc dẫn chúng tôi vượt quãng đường ngoằn ngoèo đến ngôi nhà sàn lớn trên đỉnh đồi. Chỉ tay vào con ngựa được buộc dưới gầm sàn, anh Quốc khoe: “Con ngựa này được mang ra phục vụ khách đợt lễ vừa rồi đấy. Chăm tốt nên giờ lớn lắm rồi, khách có trọng lượng 70kg cũng cưỡi được”. 

Trong căn nhà sàn truyền thống, nhiều bằng khen, giải thưởng được treo, trong đó chủ yếu là các giải đạt được trong các cuộc thi đua ngựa. Khi nhắc tới việc phát triển các dịch vụ về ngựa tại địa phương, anh Quốc cho biết: Thời điểm lễ hội dân tộc Thái tôi có mang ngựa lên phục vụ du khách tại xã Phìn Hồ. Khi đó, người quen bên điểm du lịch Cát Cát, Sa Pa cũng có mời nhưng tôi lựa chọn làm ở gần nhà. Mặc dù biết làm dịch vụ ở lễ hội văn hóa sẽ không đông như các khu du lịch, nhưng mình tạo tiền lệ, phong trào phát triển thì mình cũng phát triển. Khi đó dù chỉ làm hai buổi sáng, mỗi lượt khách thu 20.000 đồng/lượt, tôi thu về gần 2 triệu đồng. Hi vọng thời gian đầu mang ngựa phục vụ du khách sẽ lan rộng được phong trào phát triển dịch vụ ngựa ở Điện Biên, từ đó có sân chơi, phát triển kinh tế, cũng như tô đậm được nét văn hóa truyền thống, gần gũi, nguyên sơ nơi vùng cao.

Chia sẻ về việc thuần ngựa, anh Quốc nói, để có thể chở khách, thồ hàng, đua ngựa không phải việc đơn giản. Tùy giống cũng như cách thuần hóa của chủ ngựa; một đàn 20 con sẽ lọc được 3, 4 con có thể huấn luyện. Nhanh thì một tháng, chậm có thể đến ba tháng mới có thể làm ngựa thuần, dạn người, thực hiện chuẩn các chỉ lệnh. Đồng thời, việc sắm sửa yên ngựa, dây cương, phụ kiện phục vụ khách cũng hết sức quan trọng. Thông thường cả bộ yên, dây cương có giá khoảng 13 triệu đồng.

Cũng theo anh Quốc: Đối với một số điểm du lịch của tỉnh khác, dịch vụ ngựa kéo xe, cưỡi... phổ biến thì mỗi ngày có thể thu nhập 3 triệu đồng trên một đầu ngựa. Đồng thời còn có các giải đua ngựa vào các dịp trong năm nên phong trào phát triển ngựa phục vụ du lịch rất phát triển. Nếu so về cảnh sắc thiên nhiên thì gần như không quá khác biệt với Điện Biên, chỉ khác là họ làm du lịch bài bản, quảng bá rộng rãi, có các giải đấu nên thu hút nhiều khách thập phương hơn.

Ngoài phục vụ ngày hội, ngựa được đóng yên, thuần hóa còn phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách trong các buổi dã ngoại.

Tạm biệt anh Quốc, chúng tôi đến bản du lịch cộng đồng Nà Sự, nơi được số hóa toàn diện về du lịch tại Việt Nam. Chị Thùng Thị Lâm, chủ homestay Số 1, bản Nà Sự chia sẻ: Lượng khách tới đây khá đều, nhưng du khách thường chỉ ở một, hai ngày là đi, có nhiều đoàn chỉ ở buổi tối, ăn cơm sau đó múa xòe giao lưu rồi lên xe thẳng hướng A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé). Giá như có thêm các dịch vụ khám phá khác, tăng phần trải nghiệm, tôi tin có thể giữ chân du khách lâu hơn.

Sau khi nghe chuyện tôi thăm ngựa thuần phục vụ du khách, chị Lâm vui vẻ nói, ở đây muốn phục vụ du khách chỉ cần hai ngựa thuần là được, gia đình cũng đang muốn đầu tư nhưng còn chần chừ. Nếu lượng khách đều, ngoài các thế mạnh có sẵn mà phát triển thêm được các dịch vụ khác như thuê lều cắm trại, đắp suối, bắt cá... thì việc bổ sung dịch vụ cưỡi ngựa là hoàn toàn có thể. Mùa lúa chín, du khách thong thả cưỡi ngựa tham quan, hai bên là những thửa ruộng bậc thang vàng óng thì vô cùng đặc sắc...

Không chỉ huyện Nậm Pồ có nhu cầu phát triển ngựa dịch vụ, anh Vừ A Kỷ, làm du lịch xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa chia sẻ: Các điểm du lịch trong huyện chủ yếu vẫn xoay quanh các nét văn hóa truyền thống, cảnh sắc thiên nhiên, chưa phát triển được nhiều dịch vụ khác. Nhiều du khách, khi tham quan cao nguyên đá Tả Phìn, chợ phiên Tả Sìn Thàng hoặc các bản đồng bào dân tộc Mông... Ngỏ ý muốn tìm, thuê ngựa của người dân để chụp ảnh. Nhưng chỉ dừng ở việc dắt do ngựa chưa thuần, không quen người lạ, nên không thể cưỡi, ở đây người dân cũng không có kinh nghiệm thuần hóa để đáp ứng du lịch nên chỉ dừng lại ở việc mượn, thuê cho khách chụp ảnh.

Có thể thấy, nuôi, thuần hóa ngựa là tiềm năng, thế mạnh của vùng cao Điện Biên. Hi vọng trong thời gian tới, việc thuần ngựa để phục vụ du lịch sẽ là hướng phát triển mới, là điểm nhấn vùng cao.

Trần Nhâm
Bình luận
Back To Top