Giải pháp quản lý, bình ổn giá sau Tết và cả năm 2024

05:36 - Thứ Hai, 12/02/2024 Lượt xem: 5940 In bài viết

Bộ Tài chính cho biết, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong quý I là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn (thường giá các hàng hóa, dịch vụ ăn uống, vui chơi, đi lại sẽ tăng).

Trong khi đó, có một số yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá là nguồn cung hàng hóa dồi dào, không còn bị gián đoạn, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát. Nhu cầu giảm, sức mua trong dân vẫn hạn chế từ năm 2023 đến nay khiến cho tổng cầu giảm, góp phần làm giá cả không biến động lớn.

Theo Bộ Tài chính, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô (mục tiêu của năm 2024 là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân từ 4% đến 4,5%), Bộ sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành tăng cường quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, trong các thời điểm có biến động giá như lễ, Tết, điều chỉnh chính sách tiền lương...

Các bộ, ngành sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chủ động xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Giám sát kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Thông tin kịp thời, minh bạch về giá và điều hành giá của Chính phủ, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top