Nền kinh tế nước ta bước vào năm 2024 với hành trang khá “đầy đặn” trên cơ sở phát huy những kết quả đáng ghi nhận của năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, nhiều chỉ số, chỉ tiêu quan trọng đã tăng rõ nét trong tháng 1-2024 và đó là chỉ dấu để có thể hy vọng tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa) năm nay sẽ phục hồi mạnh mẽ, cao hơn hẳn so với năm trước. Chính phủ đang quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tranh thủ thời gian, chủ động vào cuộc với nhiều động thái phù hợp, cụ thể, ngay từ những ngày đầu năm mới.
Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng.
Những con số “biết nói”
Theo Tổng cục Thống kê, một loạt chỉ số quan trọng đã thể hiện sức phục hồi khá mạnh mẽ của nền kinh tế ngay trong tháng 1-2024. Đó là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Nhiều doanh nghiệp đã có thêm đơn hàng, nhất là hợp đồng xuất khẩu để bảo đảm công việc, có điều kiện giữ chân người lao động.
Trong tháng 1-2024, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,2% so với tháng 12-2023 và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, gấp 2,2 lần so với tháng 12-2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong tháng 1-2024 lên hơn 27,3 nghìn đơn vị, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1 đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Rõ ràng, sự khởi sắc về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xuất hiện sớm, tạo niềm tin cho những nhà đầu tư đến sau.
Một số tổ chức, hiệp hội nhà đầu tư tiếp tục phản ứng tích cực, ghi nhận Việt Nam là điểm đến an toàn cho dòng vốn quốc tế trong năm 2024 cũng như thời gian tiếp theo.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15-1, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 15,08 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023. Sơ bộ nền kinh tế xuất siêu 0,38 tỷ USD. Qua những số liệu trên có thể thấy nền kinh tế vẫn đang diễn biến lành mạnh, tạo đà cho tăng trưởng ở những tháng tiếp sau.
Lượng khách quốc tế đến nước ta tháng 1-2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, kết quả thu ngân sách được duy trì, mức lạm phát cũng đang trong vòng kiểm soát tốt, hứa hẹn bảo đảm chỉ tiêu hoặc ổn định trong thời gian tới.
Thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng. Ảnh: Văn Đức
Tập trung vào cuộc đồng bộ
Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng năm 2024 và ổn định đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ đã họp, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành với những mục tiêu rõ ràng.
Trong đó quan trọng nhất là yêu cầu tăng tốc sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, ổn định vĩ mô. Đáng chú ý, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 168 nhiệm vụ cụ thể; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, là nền tảng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh, bền vững.
Theo Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường, bên cạnh hoạt động đầu tư đang được kỳ vọng sẽ còn sôi động hơn trong năm 2024, các cấp, ngành cần tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa. Hai vấn đề trên liên quan và hỗ trợ lẫn nhau cùng tăng trưởng, bởi đầu tư sản xuất tạo ra sản phẩm, dịch vụ và kích cầu tiêu dùng sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ.
Một động thái rất chủ động được ghi nhận là ngay sau khi Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công năm 2024, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết được hơn 96% kế hoạch được giao. Thực tế này thể hiện sự vào cuộc tích cực, tập trung trên diện rộng cũng như quyết tâm cao của cả hệ thống ngay từ những ngày đầu năm mới.
Liên quan đến nội dung này, Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các tổ công tác đôn đốc, giải ngân vốn đầu tư công; trực tiếp làm việc, nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với nâng cao năng lực thực thi, phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Ngay trong những ngày đầu năm, từng bộ, ngành cũng đã tập trung triển khai nhiệm vụ, với tinh thần nỗ lực cao. Bộ Công Thương chủ động triển khai xúc tiến thương mại, thúc đẩy và tăng hiệu quả của các đầu mối, thương vụ ở nước ngoài nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, Bộ sẽ triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu mới; tập trung khai thác các hiệp định thương mại tự do; chuyển đổi số nhằm thúc đẩy, gắn kết sản xuất với phát triển xuất khẩu bền vững…
Trong khi đó, ngành Giao thông vận tải tiếp tục nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư các dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án trong năm 2024; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; ưu tiên bố trí vốn các dự án quan trọng quốc gia, các dự án động lực... Tất cả cùng nỗ lực hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2024.