Lãi suất huy động tiếp tục có xu hướng giảm, tạo đà cho việc giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ở một số ngân hàng thương mại cổ phần, đến nay, lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng, với khoản vay cũ lãi suất thấp nhất vẫn trên 10%/năm.
Doanh nghiệp và người dân kỳ vọng, lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á. Ảnh: Đỗ Tâm
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31-1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. Thậm chí theo biểu lãi suất mới nhất ngày 20-2, có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn trụ sở ở Hà Nội huy động tiền gửi với lãi suất khoảng 4,6%/năm, tương đương với lãi suất huy động của ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Thống kê trong tháng 2-2024, có 19 ngân hàng giảm lãi suất huy động, trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần: Quốc tế Việt Nam (VIB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Quốc dân (NCB), Việt Á (Viet A Bank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)… giảm lãi suất lần thứ hai kể từ đầu tháng. Mới nhất là ngày 22-2, Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank) giảm một loạt lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, mức giảm cao nhất lên đến 0,6%/năm. Đây là lần đầu tiên sau 3 tháng CBBank giảm lãi suất huy động, qua đó trở thành ngân hàng thứ 19 giảm lãi suất huy động trong tháng 2. Trong biểu lãi suất huy động của CBBank, cao nhất là kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với mức 5,3%/năm.
Cho đến nay, không còn ngân hàng nào duy trì mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trên 5%/năm. Với kỳ hạn tiền gửi 9-11 tháng, còn duy nhất Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank) áp dụng lãi suất 5%/năm, các ngân hàng khác đều niêm yết lãi suất dưới 5%/năm, thậm chí dưới 4%/năm như Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) 3,9%/năm; Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 3,7%/năm…
Mặc dù lãi suất huy động đã giảm xuống mức thấp, song lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng, thậm chí một số ngân hàng còn “neo” lãi suất cho vay ở mức cao, với lý do là những khoản nợ cũ, hoặc lãi suất cho vay cần độ trễ sau khi giảm lãi suất huy động.
Để tình trạng này không làm khó doanh nghiệp, cũng như khách hàng cá nhân vay vốn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 117/NHNN-CSTT (ngày 7-2-2024), yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân. Việc tổ chức tín dụng không công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân trước mắt chưa có chế tài nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa vào tiêu chí đánh giá và sẽ có biện pháp để xử lý. Nếu không công khai lãi suất cho vay bình quân ở mức phù hợp sẽ khó thu hút được khách hàng vay vốn, nhất là đối với các doanh nghiệp.
Còn dư địa giảm lãi suất
Đại diện các ngân hàng đều khẳng định, trong năm 2024, ngân hàng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động để hạ lãi suất cho vay. Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông tin, lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so với đầu năm 2023 và giảm 0,13%/năm so với thời điểm đầu năm 2024 (phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9-9,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn). Agribank cũng cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng; tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan...
Giám đốc khối tài chính Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) Lê Hoàng Khánh An cho biết, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, các khoản huy động đến hạn vừa qua tiếp tục giúp ngân hàng giảm chi phí vốn, dự kiến tối thiểu quanh 1-1,5%/năm. Đại diện VPBank cũng nhận định, chi phí vốn hiện nay toàn thị trường đang khá ổn định. Xu hướng giảm sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, bao gồm cả tình trạng thanh khoản ở các ngân hàng.
Các chuyên gia tài chính cũng đánh giá, chỉ số thanh khoản duy trì ở mức lành mạnh tính đến cuối năm 2023, đã tạo nền tảng tốt để các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng về tài sản và kiểm soát tốt chi phí vốn trong 12 tháng tới. Nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có mức tăng trưởng tiền gửi tốt, trong khi các ngân hàng tư nhân cũng hoạt động khá hiệu quả sẽ giúp tái cơ cấu và củng cố cơ cấu vốn huy động (tiền gửi khách hàng cao hơn và vay liên ngân hàng ít hơn). Chi phí vốn của ngân hàng giảm là cơ sở quan trọng ủng hộ xu hướng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, nhưng còn một lý do khác quan trọng không kém là áp lực tăng trưởng tín dụng.