Cần lắng nghe nguyện vọng của người dân

15:28 - Thứ Tư, 28/02/2024 Lượt xem: 5599 In bài viết

ĐBP - Việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Một trong số các nguyên nhân là do cơ chế chính sách còn bất cập và đặc biệt, quá trình thực hiện hỗ trợ, chủ đầu tư chưa chú trọng khảo sát, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và nhu cầu của người được thụ hưởng.

Dự án hỗ trợ sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo đem lại hiệu quả.

Hiện nay, các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh đều có hợp phần hỗ trợ sản xuất cho người dân. Thông qua nguồn vốn các chương trình trên, đã có nhiều dự án hỗ trợ sản xuất được triển khai thực hiện. Bên cạnh một số mô hình có hiệu quả, thì qua rà soát vẫn còn nhiều dự án không mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đơn cử, thực hiện 2 Chương trình: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Giảm nghèo bền vững, trong năm 2023 trên địa bàn huyện Điện Biên có 18/21 xã đã thực hiện 88 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Trong đó có 86 dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản, với tổng số đã cấp phát 2.160 con bò giống. Dù đã bám sát các văn bản hướng dẫn và các quy định về việc triển khai các dự án hỗ trợ giảm nghèo, nhưng ngay khi huyện Điện Biên thực hiện cấp bò giống đến người dân đã nhận về nhiều phản ánh con giống gầy, già, yếu… Cùng với đó là giá con giống dự án cấp lại cao hơn nhiều so với giá con giống tại địa phương cùng thời điểm thực hiện.

Người dân xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông sử dụng máy móc nông cụ được hỗ trợ.

UBND huyện Điện Biên đã tổ chức kiểm tra thực tế việc thực hiện dự án tại một số cộng đồng thuộc xã Hua Thanh, Mường Pồn, Thanh Yên, Noong Hẹt. Qua kiểm tra cho thấy có những bất cập về chất lượng con giống như: Chưa đảm bảo về trọng lượng, độ tuổi, một số con bò có biểu hiện lạ nước, kém ăn; một số con bị tiêu chảy dẫn đến tình trạng gầy, suy nhược, yếu. UBND huyện Điện Biên đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án chỉ đạo tổ quản lý dự án, tổ cộng đồng đến từng hộ dân tham gia dự án để kiểm tra.

Các hộ dân mong muốn được hỗ trợ giống vật nuôi địa phương, nhưng dự án cấp các loại con giống (bò, lợn) lai. Trong ảnh: Người dân huyện Điện Biên Đông chăm sóc bò hỗ trợ.

Tương tự, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 45/2018/QĐ-UBND, ngày 24/12/2018, trong giai đoạn 2019 - 2023 toàn tỉnh đã phân bổ gần 124,5 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, máy móc… cho người dân. Trong đó, kinh phí hỗ trợ về giống vật nuôi hơn 50,5 tỷ đồng, với hơn 64.000 con giống gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, bên cạnh một số mô hình phát huy hiệu quả thì còn nhiều dự án hỗ trợ chưa mang lại hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực; chính sách hỗ trợ còn dàn trải; một số mô hình hỗ trợ nuôi ngan, vịt nhưng sau khi kết thúc chương trình thì mô hình cũng bị xóa bỏ, không đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ngoài ra, một số nội dung hỗ trợ chưa phù hợp với tình hình thực tế, trong khi một số nội dung người dân, các địa phương có nhu cầu thực hiện, phù hợp với thực tiễn và kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 lại không được thực hiện, như: Tái canh cây cà phê, cải tạo vườn tạp, hỗ trợ thức ăn cho gia súc…

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra dự án hỗ trợ nuôi ong mật trên địa bàn xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.

Qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, nguyên nhân do quá trình triển khai chính sách, các nội dung hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn nhu cầu của người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân của một số địa phương chưa hiệu quả; có nơi, có người đứng đầu chính quyền cơ sở chưa nắm chắc các chính sách hỗ trợ, thiếu sự phối hợp, thống nhất, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện. Điển hình, huyện Điện Biên Đông triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ thú y cho người dân, song nguồn kinh phí hỗ trợ không đúng theo quy định.

Cùng đó, công tác kiểm tra, giám sát chưa thực hiện thường xuyên (trong 4 năm thực hiện chính sách hỗ trợ, cơ quan chuyên môn chỉ tổ chức 2 đợt kiểm tra), nên một số địa phương sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí, làm giảm hiệu quả đầu tư, như: Huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Chà hỗ trợ tiền công, vật tư, bảo hộ, dụng cụ tiêm phòng, công phun hóa chất sát trùng từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong khi quyết định quy định nội dung này sử dụng ngân sách cấp huyện.

Thực tế tại nhiều dự án hỗ trợ sản xuất, người dân chưa được tham gia ý kiến trong việc đề xuất nhu cầu hỗ trợ. Như tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, trong năm 2023 một số bản trên địa bàn xã được hỗ trợ lợn giống từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng người dân chỉ được nhận lợn, còn không được tham gia ý kiến về nguyện vọng, nhu cầu. Trong khi nhu cầu người dân được hỗ trợ giống lợn địa phương, nhưng thực tế khi nhận được là giống lợn ở các tỉnh dưới xuôi đưa lên. Vì vậy, nhiều con lợn giống sau khi đưa về nuôi đã có biểu hiện ốm, gầy, thậm chí không đứng và đi được.

Lãnh đạo UBND huyện Tủa Chùa kiểm tra dự án hỗ trợ máy móc nông nghiệp từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 cho người dân xã Sín Chải.

Các chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào các dân tộc miền núi là hướng đi then chốt giúp người dân thoát nghèo, nguồn vốn dành cho hợp phần này hàng năm cũng không phải là nhỏ: Nguồn vốn sự nghiệp của 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2023 được phân bổ hơn 937,3 tỷ đồng. Vì vậy, để không lãng phí và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần xem xét, tính toán thấu đáo để hỗ trợ đúng thời gian, phù hợp điều kiện từng vùng. Đặc biệt cần hỗ trợ sát với thực tiễn nhu cầu chính đáng của người dân. Tránh để xảy ra việc cứ hỗ trợ không phù hợp, không đạt hiệu quả, rồi lại... rút kinh nghiệm, vừa gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, người dân không được hưởng lợi.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top