ĐBP - Với mục tiêu nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu đưa ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá, những năm qua, tỉnh không chỉ vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo mô trình trang trại, gia trại mà còn có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân đầu tư hệ thống chuồng, trại; con giống; chuyển giao khoa học kĩ thuật trong chăm sóc, phòng, trị bệnh cho vật nuôi…
Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, bản Co Đứa, xã Na Sang (huyện Mường Chà) gặp không ít khó khăn. Gia đình ông chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống. Trăn trở với hướng phát triển kinh tế, đồng thời được cấp ủy, chính quyền địa phương động viên, ông Hùng đã nghĩ đến việc đầu tư đồng bộ hệ thống chuồng trại cũng như vật nuôi để phát triển theo mô hình tập trung. Lũy tích kinh nghiệm, ông Hùng mạnh dạn huy động vốn từ tổ chức tín dụng, người thân, bạn bè đầu tư xây dựng chuồng trại, mua trâu, bò giống về nuôi. Sau nhiều năm nỗ lực, tới nay ông đã gây dựng được mô hình chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) theo hình thức trang trại với gần 50 con và dự định sẽ tăng đàn trong những năm tiếp theo.
Những năm gần đây, chăn nuôi được xem là hướng đi quan trọng trong lộ trình xóa đói giảm nghèo không chỉ người dân huyện Mường Chà mà còn lan tỏa ở các huyện vùng cao, như: Tuần Giáo, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Điện Biên, Tủa Chùa… Tại huyện Điện Biên Đông, người dân từng bước thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại. Đồng hành cùng người dân, huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê; đồng thời triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giúp người dân phát triển, mở rộng đàn vật nuôi, như: Hỗ trợ con giống, làm chuồng trại, tiêm phòng, giống cỏ... Huyện đã triển khai hàng trăm mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhiều dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số gia súc hỗ trợ hơn 3.000 con.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên Đông, các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y xã, thú y thôn bản; bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi gia súc; mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề chăn nuôi để lao động nông thôn có kiến thức áp dụng vào chăm sóc đàn gia súc của gia đình. Nhờ đó ngành chăn nuôi của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tổng đàn gia súc toàn huyện đạt trên 70.000 con.
Đối với huyện Mường Nhé, triển khai Đề án của UBND tỉnh, nhiều xã trên địa bàn huyện đang từng bước hình thành phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc hiện nay đang là một trong những chủ trương lớn của huyện. Đây cũng sẽ là chìa khóa để người dân trên địa bàn xóa đói giảm nghèo. Kết hợp với tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp chăn nuôi, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, hiện nay, huyện Mường Nhé đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để bà con hiểu được lợi ích của việc chăn nuôi đại gia súc; từ đó chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt tập trung. Đến nay, 11/11 xã đã quy hoạch một số vị trí để phát triển đàn gia súc. Một số hộ gia đình, đơn vị đã chọn địa điểm, quỹ đất, đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và các loại nguyên liệu để phát triển chăn nuôi. Trong quá trình triển khai nghị quyết, huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi, như: Hỗ trợ con giống, tạo điều kiện về quỹ đất, vốn vay, kỹ thuật...
Với nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, có thể nói, việc phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc đã và đang được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Toàn tỉnh hiện có trên 300 trang trại chăn nuôi hỗn hợp trâu, bò, lợn, dê; trong đó gần 290 trang trại quy mô nhỏ, 18 trang trại quy mô vừa và hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia trại hiệu quả. Tổng đàn gia súc toàn tỉnh đạt trên 545.500 con, trong đó: Đàn trâu 136.663 con; đàn bò 98.447 con; đàn lợn 310.423 con.
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo hướng hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, sức cạnh tranh cao, có hiệu quả và phát triển bền vững; từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi quảng canh sang thâm canh, đưa chăn nuôi gia súc ăn cỏ trở thành ngành sản xuất chủ lực của tỉnh; phấn đấu tăng tỷ trọng chăn nuôi tập trung trong trang trại, tốc độ tăng trưởng trang trại chăn nuôi bình quân đạt khoảng 6,5%/năm; tăng tỷ lệ chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo phương thức bán chăn thả và nuôi nhốt đạt khoảng 70%; chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay tỉnh đã và đang có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô đàn. Với chức năng và nhiệm vụ được giao trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang làm tốt vai trò phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bảo tồn nguồn gen trâu, bò để lựa chọn con giống tốt; tăng cường hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả; chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh...