Hợp tác, liên kết để phát triển nông nghiệp bền vững

08:35 - Thứ Tư, 06/03/2024 Lượt xem: 6420 In bài viết

ĐBP - Trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua ngành Nông nghiệp Điện Biên hướng đến phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp. Trong đó HTX làm nòng cốt, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từng bước nâng cao giá trị nông sản. Từ đó góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Lãnh đạo huyện Điện Biên thăm diện tích liên kết sản xuất các loại rau, quả của HTX Dịch vụ tổng hợp xã Noong Luống với người dân.

HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) mới thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2022 song đã dần khẳng định được vai trò trong việc dẫn dắt sản xuất, kinh doanh của hộ thành viên và người nông dân. Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống cho biết: Đến nay HTX đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 34 hộ dân, diện tích 3,4ha chủ yếu trồng các loại rau. Không chỉ dừng lại ở hoạt động liên kết với các thành viên trong HTX, mà còn thực hiện tốt việc bao tiêu, tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với HTX và đảm bảo sản phẩm của người dân không rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Đồng thời, thông qua liên kết, HTX cung ứng giống, phân bón, vật tư đảm bảo chất lượng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trên địa bàn.

Xã Mường Nhà có thế mạnh phát triển cây dứa trở thành sản phẩm chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, nhưng trước đây người dân trồng tự phát, mạnh ai nấy trồng và tự mang đi tiêu thụ, vì vậy hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2022, HTX Dứa Mường Nhà được thành lập và liên kết với các hộ dân phát triển, nhân rộng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đến nay, toàn xã Mường Nhà có 60ha dứa của gần 300 hộ dân, trong đó vùng trồng dứa tập trung tại bản Pu Lau với hơn 30ha đã liên kết với HTX Dứa Mường Nhà.

Người dân xã Mường Nhà liên kết với HTX Dứa Mường Nhà trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Thào A Giàng, Giám đốc HTX Dứa Mường Nhà, HTX hướng dẫn bà con trồng dứa theo quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả. HTX nhận tiêu thụ toàn bộ sản lượng cho bà con, đồng thời liên kết với các công ty thu mua quả xanh, quả chín. Được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, những năm gần đây sản phẩm dứa ngày càng chất lượng, giá cả ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Thực tế phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua cho thấy, các HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và liên kết, hợp tác phát triển sản xuất. Với điều kiện thực tế hiện nay thì mô hình HTX trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khá phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Bởi có hợp tác liên kết mới tập trung đất đai - tư liệu sản xuất chính để tạo ra vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu. Tạo được điều kiện cần thiết để áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của chuỗi tiêu thụ, khắc phục những nhược điểm của kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện có.

Mô hình trồng cây gai xanh liên kết theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Người dân bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên thu hoạch cây gai xanh.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) cho biết: Gia đình tôi có hơn 3.000m2 ruộng 2 vụ. Từ khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên được cung ứng giống, phân bón, thuốc, sản xuất theo quy trình nên năng suất, sản lượng luôn ổn định. Kết thúc mùa vụ, HTX tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm. Tuy giá cả hàng năm có biến động nhưng liên kết với HTX, chúng tôi vẫn được đảm bảo lợi nhuận.

Tham gia liên kết sản xuất, người dân được HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên bao tiêu sản phẩm lúa gạo.

Dù giá trị của các chuỗi liên kết giữa HTX với người nông dân là rõ ràng, song việc phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở các HTX vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, các chuỗi liên kết trong HTX còn lỏng lẻo, theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ. Bên cạnh đó, nhận thức của một số nông dân, thành viên HTX về liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao và chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy, các hợp đồng liên kết giữa người dân - hợp tác xã - doanh nghiệp vẫn còn thiếu bền vững, chưa có tính ràng buộc pháp lý.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top