Công khai lãi suất cho vay: Cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá thấp

07:41 - Chủ Nhật, 10/03/2024 Lượt xem: 6051 In bài viết

Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; công khai lãi suất cho vay để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn, là một trong những nội dung chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5-3-2024.

Mặc dù đến nay chưa có thông tin cụ thể từ các ngân hàng thương mại, song đây là cơ hội cho doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp hơn nữa.

Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Giúp lựa chọn ngân hàng vay vốn

Về yêu cầu công khai lãi suất cho vay, không chỉ tại Công điện số 18/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, trước đó, tại Thông báo số 527/TB-VPCP ngày 18-12-2023, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2024, cơ quan này đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công khai lãi suất cho vay bình quân. Các mức lãi suất điều hành được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, việc công bố lãi suất cho vay bình quân (cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp) không phải là vấn đề quá khó, vì lâu nay, các ngân hàng đã có báo cáo tổng hợp gửi Ngân hàng Nhà nước hằng tháng, hằng quý và Ngân hàng Nhà nước đã công bố.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Phạm Như Ánh cho hay, MB đã sẵn sàng thực hiện việc công bố thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, MB đề xuất Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn chi tiết để các tổ chức tín dụng thực hiện thống nhất, trong đó, mức lãi suất bình quân công bố nên tách theo kỳ hạn, đối tượng khách hàng cho phù hợp thực tế triển khai tại các tổ chức tín dụng và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Việc công bố là kỷ cương điều hành

Tuy vậy, liên quan đến vấn đề công khai lãi suất cho vay, nhất là công khai lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, đại diện một số ngân hàng thương mại cho rằng còn bất cập...

Cụ thể, theo đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), thực tế hoạt động cho vay doanh nghiệp phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, từng mức độ rủi ro khác nhau. Vì thế, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp sẽ khó khăn, bất cập, nên chỉ có thể công bố được lãi suất cho vay cá nhân. Bên cạnh đó, lãi suất công bố nên để khoảng lãi suất của các khoản có quy mô dư nợ phổ biến tại tổ chức tín dụng, tránh việc người đọc (ngoài ngành) hiểu không chính xác về thông tin lãi suất (quá cao hoặc quá thấp của một số khoản có quy mô dư nợ đặc thù không đại diện cho danh mục của tổ chức tín dụng).

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, ngân hàng tính toán mức lãi suất cho vay của doanh nghiệp dựa trên tổng lợi ích từ huy động vốn, sản phẩm dịch vụ, dòng tiền, điểm tín dụng… chứ không chỉ tính đơn thuần mỗi lãi suất cho vay. Hơn nữa, mỗi doanh nghiệp có tình hình tài chính khác nhau, mức độ rủi ro khác nhau. Vì thế, công khai lãi suất cho vay chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng cá nhân, còn với khách hàng tổ chức thì không đơn giản.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nêu ví dụ, nếu ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân là 12%, trong khi lãi suất đầu vào chỉ có 4-5% sẽ tạo ra những thông tin bất lợi. Song mặt khác, công bố lãi suất bình quân giúp người dân lựa chọn ngân hàng công bố lãi suất thấp hơn để vay.

Các chuyên gia cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp nhận định, việc các ngân hàng công khai mặt bằng lãi suất cho vay, doanh nghiệp và người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và ngân hàng cũng cần tăng tính cạnh tranh. Thực tế, lãi suất đầu vào ở mức 4-5%/năm, song, tại một số ngân hàng, lãi suất cho vay vẫn cao “ngất ngưởng” trên 10%/năm.

Về việc các ngân hàng thương mại ngại khó khi công khai lãi suất bình quân, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, đây là kỷ cương trong điều hành. Việc niêm yết lãi suất cho vay bình quân vừa bảo đảm quyền lợi cho người đi vay, vừa bảo đảm quyền lợi của chính ngân hàng thương mại trong môi trường cạnh tranh lãi suất. Dù chưa có chế tài song Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá và có biện pháp xử lý tổ chức tín dụng không công bố lãi suất cho vay bình quân. Nếu không công khai lãi suất cho vay bình quân ở mức phù hợp, chính tổ chức tín dụng cũng khó thu hút được khách hàng vay vốn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top