Điện Biên tập trung phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP

14:19 - Thứ Tư, 13/03/2024 Lượt xem: 5198 In bài viết

Những năm qua, việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã thu được những kết quả tích cực. Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc phát triển các sản phẩm OCOP đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào sự “vươn mình” của mảnh đất Điện Biên lịch sử.

Theo thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 72 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 2 sản phẩm OCOP 4 sao, 64 sản phẩm OCOP 3 sao và 6 sản phẩm đã trình đề nghị Hội đồng tỉnh đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023. Những năm qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực gắn với các thế mạnh của địa phương.

Một điểm nổi bật trong phát triển các sản phẩm OCOP tại Điện Biên chính là sản phẩm OCOP được bày bán tại các điểm du lịch đã tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến Điện Biên và “níu” chân du khách lưu trú lâu hơn tại các điểm du lịch. Lượng khách du lịch đến Biên Biên và số ngày tham quan, lưu trú ngày càng tăng lên. Minh chứng là năm 2023 vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Điện Biên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 107% kế hoạch năm; trong đó du khách quốc tế đạt 7.500 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2022; số ngày lưu trú bình quân của du khách cũng tăng lên ước đạt gần 3 ngày.

Được biết, với hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024), tỉnh Điện Biên kỳ vọng năm 2024 sẽ đón 1,3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.200 tỷ đồng. Đây cũng được coi là cơ hội lớn để các sản phẩm OCOP của Điện Biên tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Gạo Séng cù Điện Biên - một trong các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCCOP 3 sao đã có thị trường tiêu thụ ổn định. (Ảnh: Bích Hạnh). 

Thực tế, Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được tỉnh Điện Biên phê duyệt với mục tiêu tổng quát đưa đề án mỗi xã một sản phẩm trở thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định… Đến nay, Chương trình OCOP bước đầu đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, chủ thể đạt được các chứng nhận quản lý tiên tiến như chứng nhận HACCP, GMP FOOD...

Theo đồng chí Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên, với mục tiêu tập trung phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP, phát huy vai trò nòng cốt, ngành Công thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tạo điều kiện để phát triển mở rộng mạng lưới kinh doanh thương mại theo quy mô hộ kinh doanh cá thể; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;…

Sản phẩm cà-phê Hồng Kỳ của Điện Biên ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng. (Ảnh: Bích Hạnh).

Để các sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên vươn xa, trong chuỗi hoạt động của Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Tây Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh và Tuần Văn hoá, Du lịch Điện Biên tại Hà Nội vừa qua, Điện Biên đưa các nông sản OCOP quảng bá tại sự kiện và thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, thưởng thức. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của tỉnh như: Chè, cà phê, gạo Điện Biên... đến với người tiêu dùng để tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc đưa vào khai thác, sử dụng các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Điện Biên và các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản nhiều tỉnh, thành phố trong nước cũng đã giúp người tiêu dùng tỉnh Điện Biên, du khách có thêm điểm lựa chọn, mua sắm sản phẩm uy tín, chất lượng. Qua đó, góp phần khuyến khích bà con các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên tích cực duy trì, phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp truyền thống; chủ động sản xuất sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ phát triển sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó là tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, gắn phát triển sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch, dịch vụ, qua đó, tiếp tục phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top